USD giao dịch dưới đỉnh 12 tuần do lo ngại căng thẳng địa chính trị
Hoàng Nguyên 10/11/2017 10:30 AM
Đồng USD tiếp tục giảm nhẹ so với yên Nhật trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Hai (9/10) sau khi trượt khỏi mức đỉnh 12 tuần thiết lập vào tuần trước do lo ngại rủi ro địa chính trị trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc thử tên lửa khác.

Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa tầm xa mà họ tin rằng có thể tới bờ biển phía tây của Hoa Kỳ, một nhà lập pháp Nga vừa có chuyến thăm Bình Nhưỡng đã được hãng tin Nga RIA dẫn lời cho biết hôm thứ Sáu tuần trước.

Lo ngại bất ổn địa chính trị trỗi dậy đã giúp đồng yên, một tài sản an toàn, phục hồi và kéo đồng USD trượt khỏi mức đỉnh 12 tuần được thiết lập sau khi báo cáo việc làm tháng 9 tại Mỹ được công bố.

Kể từ khi Nhật Bản trở thành quốc gia chủ nợ ròng lớn nhất thế giới, các nhà kinh doanh cho rằng việc hồi hương của các nhà đầu tư Nhật Bản từ nước ngoài sẽ lấn át động thái bán tài sản Nhật của các nhà đầu tư nước ngoài trong những thời điểm kinh tế biến động không chắc chắn. Điều này có nghĩa là đồng yên Nhật sẽ đóng một vai trò như là một đồng tiền an toàn mặc dù Nhật Bản khá gần Bắc Triều Tiên.

Chỉ số đồng USD, thước đo được đồng bạc xanh so với một giỏ 6 đồng tiền chính, giảm 0,1% xuống còn 93,709 điểm. Ảnh: doisongphapluat.vn

Trong phiên ngày thứ Sáu, đồng USD đã quay đầu giảm do áp lực chốt lời, trong khi căng thẳng Bắc Triều Tiên quay trở lại ám ảnh thị trường càng làm trầm trọng thêm đà giảm của đồng bạc xanh, Stephen Innes – trưởng bộ phận kinh doanh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Oanda ở Singapore cho biết.

Hiện đồng USD đang được giao dịch ở mức 112,58 JPY, giảm nhẹ khoảng 0,06%. Trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, có thời điểm đồng USD đã tăng lên mức 113,44 JPY, cao nhất kể từ ngày 14/7.

Giao dịch cũng yếu hơn bình thường khi thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ trong phiên ngày thứ Hai.

Chỉ số đồng USD, thước đo được đồng bạc xanh so với một giỏ 6 đồng tiền chính, giảm 0,1% xuống còn 93,709 điểm. Trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, có thời điểm nó đã tăng lên mức cao 94,267 điểm, cao nhất trong hơn 2 tháng sau khi báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ được công bố.

Việc tăng trưởng tiền lương tại Mỹ nhanh hơn trong tháng 9 được xem là dấu hiệu cho thấy lạm phát có khả năng cải thiện và điều đó đã hỗ trợ đồng USD tăng giá vì nó làm tăng kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất lần nữa vào tháng 12.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm mạnh trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ bị rạn nứt sau khi một nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, đồng USD bật tăng 3,2% so với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lên 3,7325 TRY/USD. Đó là mức giảm hàng ngày lớn nhất của đồng lira kể từ tháng 7/2016.

Tuy nhiên, mức giá này của đồng lira vẫn còn cao hơn mức thấp nhất kể từ đầu năm là 3,9415 TRY/USD, Mingze Wu - Nhà kinh doanh ngoại hối của Nhà cung cấp dịch vụ tài chính INTL FCStone Ltd ở Singapore cho biết.

Đồng USD tiếp tục giảm nhẹ so với yên Nhật trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Hai (9/10). Ảnh: bizlive.vn

“Căng thẳng chính trị mới đây, mặc dù gây ngạc nhiên, vẫn còn rất xa vời... Chúng ta cần phải thấy sự leo thang nhiều hơn từ thời điểm này để đẩy đồng lira suy yếu”, ông nói thêm.

Về diễn biến các đồng tiền khác, đôla New Zealand đã chạm mức thấp 4 tháng do lo ngại bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử của nước này. Theo đó, đôla New Zealand trượt xuống mức thấp nhất là 0,7052 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 30/5.

“Vẫn còn rất nhiều bất ổn xung quanh việc hình thành chính phủ nhiệm kỳ tới. Rủi ro chính trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới đồng đôla New Zealand và tôi nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn”, Peter Dragicevich - chuyên gia chiến lược ngoại hối G10 của Nomura tại Singapore nói.

Trong khi đồng euro tăng 0,1% lên 1,1745 USD, đã tăng lên từ mức thấp nhất ngày thứ Sáu là 1,1669 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 17/8.

Theo: Hoàng Nguyên/Thời Báo Ngân Hàng

Author: Hoàng Nguyên

News day