Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận có liên quan đến khủng hoảng ngoại giao của Qatar
Dư Hoàng 06/08/2017 07:00 AM
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm cổ vũ hành động “cô lập” đồng minh Qatar của các quốc gia Trung Đông mặc dù Mỹ đặt căn cứ không quân lớn nhất tại đây cũng như sau một loạt các tuyên bố ủng hộ giải quyết khủng hoảng ngoại giao khu vực này của các quan chức Nhà Trắng.

Ngày 7/6, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ rằng bài phát biểu của ông Trump về tư tưởng chống Hồi giáo cực đoan đã trở thành động lực để các nước cắt đứt quan hệ với Qatar. Ông viết: “Rất vui khi thấy chuyến thăm Arab Saudi, gặp gỡ Quốc vương và 50 quốc gia đã có kết quả. Họ nói rằng sẽ mạnh tay hơn cho những nước đang tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan và tất cả bằng chứng đều nhằm vào Qatar. Có thể đây sẽ là điểm bắt đầu để chấm dứt nỗi kinh hoàng mang tên khủng bố”.

Bản tweet của ông Trump. Ảnh: Twitter Donald J. Trump

Với bản tweet này, ông Trump thừa nhận có liên quan đến chiến dịch cô lập Qatar của hàng loạt các quốc gia vùng Vịnh với lý do Qatar đã tài trợ cho khủng bố, sau chuyến công du Saudi Arabia vào hồi tháng 5 của ông.

Vai trò của Mỹ đã được thể hiện rõ trong dòng tweet của ông Trump khi ông khẳng định muốn có một liên minh rộng lớn để chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Iran, được đền đáp sau khi các quốc gia Bahrain, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Yemen, Maldives, Libya và Mauritanie đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây được đánh giá là động thái chưa từng có tiền lệ, dù giữa Qatar và các nước láng giềng, đặc biệt là Arab Saudi luôn trong tình trạng căng thẳng nhiều năm qua.

Theo giới chuyên môn, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao một phần xuất phát từ hai chiến lược chính về mặt đối ngoại khi Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo trong khu vực, bao gồm cả tổ chức Anh em Hồi giáo - vốn bị một số nước coi là tổ chức khủng bố và mối quan hệ tốt đẹp với Iran, nước do người Hồi giáo Shi''te lãnh đạo và là kẻ thù của Saudi Arabia, nước do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo. Qatar đã bác bỏ những cáo buộc trên và khẳng định đây là những cáo buộc "phi lý" và "vô căn cứ".

Căng thẳng được đẩy lên tới đỉnh điểm vào tháng 5/2017, sau chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Arab Saudi và các nước, làm Qatar phật ý. Trên trang web của hãng thông tấn Nhà nước Qatar, trích lời Quốc vương nước này, chỉ trích Mỹ có thái độ thù địch với Iran. Tuy nhiên, chính phủ Qatar đã gỡ bài báo này xuống và cho hay trang web này bị tin tặc tấn công.

Dòng tweet của ông Trump càng khiến nhận định về sự liên quan của Mỹ đứng sau một loạt các quyết định bất thường của các nước vùng Vịnh này. Sau khi bày tỏ quan điểm trên Twitter, Tổng thống Trump đã điện đàm với Quốc vương Arab Saudi và nhấn mạnh các nước vùng Vịnh cần đoàn kết trong vấn đề Qatar.

Quốc vương Qatar Sheik Tanim Bin Hamad Al-Thani và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: LiveMint 

Khi được hỏi về thông điệp của nhà lãnh đạo Mỹ, một quan chức cấp cao Nhà Trắng lên tiếng khẳng định thông điệp của Tổng thống là tất cả các nước trong khu vực cần phải đoàn kết để chống lại các tư tưởng cực đoan và tài trợ cho khủng bố. Để giải quyết mâu thuẫn, điều quan trọng nhất là các quốc gia này cần phải thống nhất để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực.

Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington cũng không hề biết trước các quyết định này, và chỉ được thông báo về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar của 5 quốc gia Arab (hiện đã lên tới 9 nước) ngay trước khi thông tin được công bố với toàn thế giới. 

Ngày 5/6, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định giới chức Mỹ cam kết sẽ xoa dịu căng thẳng đang leo thang ở vùng Vịnh. Cùng ngày, phát biểu ở Australia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết sẽ tìm cách giảm nhẹ tác động của mâu thuẫn ngoại giao tại Trung Đông đối với chiến dịch chống IS.

Sau đó một ngày, Lầu Năm Góc vẫn ca ngợi Qatar vì cho phép các lực lượng Mỹ đóng quân cũng như “cam kết lâu dài của Doha với an ninh khu vực”. Cũng trong ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điện đàm với người đồng cấp Qatar, tuy nhiên chi tiết của cuộc nói chuyện không được cung cấp cho báo giới.

Cùng ngày 6/6, Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi Adel Al-Jubeir cho rằng Qatar cần phải thực hiện một số hành động để khôi phục quan hệ với các quốc gia Arab quan trọng khác, bao gồm dừng bảo trợ cho nhóm phiến quân Palestine Hamas và tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông Adel Al-Jubeir  khẳng định các quyết định này của các nước vùng Vịnh đưa ra để Qatar hiểu rõ ràng rằng cần thực hiện các hành động mạnh mẽ và cụ thể như thế nào là đủ, và phải bắt nền kinh tế Qatar “trả một cái giá rất đắt” mới có thể thuyết phục được nước này thay đổi chính sách.

Từ nhiều năm nay, với sự giàu có nhờ nguồn khí đốt tự nhiên cùng sức mạnh truyền thông, Qatar đã tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực, nhưng vẫn không có được sự ủng hộ của các nước trong khu vực, bởi quan điểm khác biệt của Doha cũng như cáo buộc quốc gia này ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, kẻ thù chính trị của các nước vùng Vịnh.

Vị trí địa lý của Qatar ở vùng Vịnh. Đồ họa: BBC

Chiến dịch cô lập Qatar của các quốc gia Arab đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại ở Trung Đông từ dầu thô cho tới kim loại và thực phẩm cũng như làm gia tăng mối lo ngại thị trường khí gas tự nhiên toàn cầu khi sản xuất dầu mỏ và khí đốt nước này chiếm gần 1/3 thị phần thế giới, và một điều chắc chắn là tất cả các nước liên quan đều bị ảnh hưởng.

Qatar là một nước phụ thuộc nhiều vào cung cấp hàng hoá từ các nước vùng Vịnh mà cả các nước vùng Vịnh cũng có nhiều công dân làm việc ở Qatar.

Ngay sau các quyết định cô lập Qatar, tình hình Qatar trở lên hỗn loạn, người dân khắp nơi đến các siêu thị mua đồ, tích trữ lương thực vì lo sợ tình trạng thiếu lương thực. Bởi lẽ, Qatar chỉ có biên giới đất liền duy nhất với Arab Saudi, trong khi đất nước này phải dựa gần như hoàn toàn vào nhập khẩu lương thực, đa phần từ các quốc gia vùng Vịnh. Hàng chục chuyến bay đã bị hủy, các đoàn xe ở biên giới Qatar đang chờ được cấp phép vào nước này.

Để tránh tình trạng dân chúng sợ hãi do khan hiếm hàng hóa, chính phủ Qatar cam kết dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến xã hội và nền kinh tế. Trong đó, chính phủ Qatar tuyên bố các tuyến chở hàng đường thủy và đường không vẫn được duy trì để nhập khẩu. Về phía Iran, đích thân chủ tịch hiệp hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Iran ngày 7/6 cho biết nước này có thể đưa lương thực sang Qatar trong vòng 12 tiếng bằng đường biển, trong bối cảnh nước này bị Arab Saudi và các nước Arab cô lập.

Người Qatar đổ xô tới siêu thị để mua lương thực. Ảnh: Doha News

Trong khi đó, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định căng thẳng trong quan hệ giữa Qatar và các nước vùng Vịnh không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tuy nhiên, Qatar là nơi đặt Sở chỉ huy thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ cũng như là nơi đóng quân của căn cứ không quân al Udeid lớn nhất của nước này ở Trung Đông. Đây cũng là nơi 11.000 binh lính Mỹ đang đóng quân để tham gia cuộc chiến chống khủng bố, là điểm xuất phát cho các chiến dịch không kích của liên minh chống IS tại Syria và Iraq.

Vì vậy, sự kiện cô lập Qatar của các nước Arab chắc chắn sẽ khiến Washington bị ảnh hưởng, bởi Doha là một đồng minh rất quan trọng cho lợi ích ngoại giao và quân sự của Mỹ.

Author: Dư Hoàng

News day