Những vụ tai nạn trong một năm thảm họa của Hải quân Mỹ
Trung Hiếu/Theo Zing 12/11/2017 01:00 PM
Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương liên tiếp gặp phải 5 vụ tai nạn, gồm 2 vụ va chạm nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khiến 17 thủy thủ thiệt mạng.

Năm 2017, Hải quân Mỹ gia tăng hoạt động ở Thái Bình Dương với tần suất chưa từng có trong nhiều năm qua. Hàng chục cuộc tập trận với các đồng minh được tổ chức, trong đó lần đầu tiên sau 10 năm, 3 tàu sân bay Mỹ tập trận cùng nhau ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, năm 2017, Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương gặp tai nạn với tần suất và tính chất nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. 5 vụ tai nạn, trong đó có 2 vụ va chạm cực kỳ nghiêm trọng khiến 17 thủy thủ thiệt mạng đã xảy ra.

Ảnh: Hải quân Mỹ

CG-54 là một trong những tuần dương hạm tinh vi nhất thế giới. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis có thể đối phó với một loạt các mục tiêu khác nhau. Nguyên nhân con tàu mắc cạn vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Ngày 31/1, tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Antietam (CG-54), lớp Ticonderoga mắc cạn trong khi thả neo tại vịnh Tokyo. Sự cố gây hỏng chân vịt, làm tràn một số lượng lớn dầu ra biển.

Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 9/5, tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57), lớp Ticonderoga đâm chìm một tàu đánh cá của Nam Hàn trên biển Hoàng Hải. Vụ việc không gây ra thương vong nhưng nó cho thấy sự lúng túng của thủy thủ đoàn khi di chuyển qua những khu vực đông tàu thuyền qua lại. 

Thủy thủ đoàn trên tàu nói rằng họ đã cố liên lạc với tàu đánh cá bằng radio nhưng không thành công. Họ cũng phát còi báo động nhưng phía tàu cá không nghe thấy. Tuy vậy, người ta đặt câu hỏi tại sao chiến hạm Mỹ không chủ động tránh tàu cá, khi họ biết rõ hải trình của hai tàu có thể dẫn đến va chạm. 

Ảnh: Hải quân Mỹ

Fitzgerald được trang bị một loạt các thiết bị điện tử tối tân. Người ta không hiểu vì sao con tàu hiện đại như thế lại không thể điều hướng an toàn trên biển. Tàu khu trục Fitzgerald được đưa về cảng Yokosuka, Nhật Bản và chờ đưa về Mỹ sửa chữa. 

Ngày 17/6, tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu container ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Fitzgerald bị móp một lỗ lớn bên mạn phải. Vụ va chạm khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Mỹ trong những năm gần đây. 

Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong khi Hải quân Mỹ đang điều tra nguyên nhân vụ va chạm của tàu Fitzgerald thì một tai nạn nghiêm trọng hơn lại xảy ra. Rạng sáng ngày 21/8, tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu chở dầu ở phía đông của Singapore.

Vụ va chạm khiến 10 thủy thủ thiệt mạng, tàu McCain thủng một lỗ lớn bên mạn trái. Thủy thủ đoàn đã kịp thời cô lập các khu vực bị ngập nước và tàu tự di chuyển về cảng Singapore an toàn. Tai nạn nghiêm trọng của tàu McCain tiếp tục làm dấy lên lo ngại về khả năng điều hướng của chiến hạm Mỹ. 

Ảnh: Hải quân Mỹ

Sau các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, ngày 21/8, Hải quân Mỹ tuyên bố ngưng tác chiến trên toàn cầu để thảo luận việc tăng cường an toàn trong hoạt động. Hải quân Mỹ cũng cách chức Phó đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 sau hàng loạt vụ tai nạn trong năm 2017. 

Ngày 26/11, trong quá trình đưa lên tàu chuyên chở Transshelf để đưa về Mỹ, Fitzgerald va chạm với cấu kiện thép trên tàu vận tải gây thủng 2 lỗ ở thân tàu. Hải quân Mỹ sẽ phải tốn thêm khá nhiều tiền để khắc phục 2 tai nạn liên tiếp với chiến hạm này. 

Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 18/11, một tàu kéo của Nhật Bản bị hỏng động cơ và đâm vào tàu khu trục USS Benfold (DDG-65) ngoài khơi vùng biển miền Trung của Nhật Bản. Tàu Benfold chỉ bị hư hại nhẹ và vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Đến cuối tháng 11, một sự cố khác lại xảy ra với tàu Fitzgerald trong khi nó chuẩn bị được đưa về Mỹ sửa chữa. 

Các chỉ huy Hải quân Mỹ biện minh rằng quy mô hải quân hiện nay nhỏ hơn trước rất nhiều, trong khi họ vẫn phải duy trì hoạt động trên toàn thế giới. Các tàu chiến và thủy thủ đoàn phải làm việc quá sức, góp phần dẫn đến tai nạn. 

Author: Trung Hiếu/Theo Zing

News day