Mỹ: Tòa án Tối cao ra phán quyết bác bỏ một phần khiếu nại của Chính phủ
Thusy 07/21/2017 07:00 AM
Ngày 19/7, Tòa án Tối cao ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của Bộ Tư pháp yêu cầu ngăn chặn phán quyết của thẩm phán liên bang hạn chế sắc lệnh cấm nhập cảnh từ 6 quốc gia Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, mặc dù trong phán quyết của mình, Tòa án Tối cao đồng ý với khiếu nại ngăn chặn phần cho phép người tị nạn đã được các cơ quan chức năng định cư thẩm định, hứa hẹn và bảo đảm được vào Mỹ. Tuy nhiên, Tòa tối cao đồng tình với phán quyết của thẩm phán Derrick Watson tại Hawaii, không áp dụng lệnh cấm nhập cảnh từ 6 quốc gia Hồi giáo đối với ông bà và thân nhân khác của công dân Mỹ vào diện cấm nhập cảnh. 

Một người biểu tình cầm biểu ngữ ủng hộ di dân đứng bên ngoài Toà phúc thẩm liên bang khu vực 9 ở San Francisco. Ảnh: Reuters

Tòa án Tối cao cho biết quyết định này chỉ có hiệu lực tạm thời trong khi Toà phúc thẩm Liên bang khu vực 9 tại San Francisco xem xét kháng án của Chính phủ về nội dung trên. Mặt khác, trong số 9 chánh án của Tòa, có 3 chánh án thuộc trường phái bảo thủ muốn đưa ra phán quyết thuận cho toàn bộ yêu cầu từ Chính phủ.

Quyết định của Tòa án Tối cao có nghĩa là, vào lúc này, ông, bà, cô, dì, chú, bác, cháu, anh chị em họ, anh chị em dâu/rể không còn nằm trong diện cấm nhập cảnh của lệnh cấm nhập cảnh 90 ngày đối với những người trong danh sách 6 nước.

Trước đó, vào ngày 13/7, Thẩm phán Derrick Watson đã ra phán quyết không áp dụng sắc lệnh di trú cấm nhập cảnh của Tổng thống trong trường hợp đối với những người là ông bà của công dân Mỹ và người tị nạn đã được các các cơ quan định cư thẩm định, hứa hẹn và bảo đảm.

Ngay lập tức, Bộ Tư pháp gửi khiếu nại khẩn cấp lên Tòa án Tối cao, đồng thời kháng án lên Toà Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9.

Vào tháng 06, Tòa án Tối cao đã cho phép một số phần trong Sắc lệnh di trú của Tổng thống có hiệu lực. theo đó, công dân từ 6 quốc gia đông dân Hồi giáo Iran, Sudan, Somalia, Libya, Yemen và Syria – “những người không có mối quan hệ xác thực (bona fide relationship) với cá nhân hoặc thực thể nào ở Mỹ” – sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, Tòa cũng cho phép những người từ những quốc gia trên nếu đã có thẻ xanh hoặc có chiếu kháng sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ. Trong trường hợp cá nhân từ những quốc gia nằm trong lệnh cấm có thân nhân xác thực đang sinh sống hay làm việc cho một công ty Mỹ hoặc học tập tại một trường đại học ở Mỹ thì vẫn có thể được cấp thị thực.

Tòa án Tối cao. Ảnh: AP

Chính phủ Trump đã diễn dịch ngôn ngữ trong phán quyết từ bona fide relationship trong phạm vi hạn chế khi cho rằng, lệnh cấm áp dụng cho ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Tiểu bang Hawaii không đồng tình nên đã khiếu nại lên toà liên bang địa phương, yêu cầu thẩm phán mở rộng định nghĩa ai sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao hôm nay cũng thông báo đã lên lịch, ngày 10/10 sẽ nghe luận cứ về những thắc mắc sâu rộng liên quan đến tính hợp pháp của lệnh cấm.

Author: Thusy

News day