Mỹ: "Cuộc chiến tháng 9" giữa chính phủ và quốc hội
An Nhiên 08/24/2017 06:57 AM
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phát đi tín hiệu về một "trận chiến lớn" sắp tới khi dọa đóng cửa chính phủ liên bang nếu quốc hội không thông qua dự luật ngân sách cho tài khóa mới bao gồm kinh phí xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico.

Phát biểu tại cuộc tuần hành ở thành phố Phoenix, bang Arizona hôm 22-8, ông Donald Trump nói trước đám đông người ủng hộ "Nếu chúng ta đóng cửa chính phủ, chúng ta sẽ xây dựng được bức tường đó, bức tường mà mình muốn". Ngoài ra, ông còn cáo buộc phe Dân chủ cản trở việc cấp kinh phí xây dựng bức tường này - một trong những ưu tiên khi ông tranh cử vào năm 2016.

Trong bài phát biểu của mình, ông đã dành 30 phút để chỉ trích truyền thông vì đã gây ra sự chia rẽ ở Mỹ xung quanh cuộc bạo loạn ở Charlottesville, nhấn mạnh vào các tờ báo New York Times, Washington Post, CNN và ABC News khi khẳng định: "Tất cả chúng ta đều thấy, họ đang cố gắng xóa đi lịch sử và di sản của chúng ta". "Họ thực sự là những người không trung thực, và tôi thực sự không nghĩ rằng họ có tinh thần yêu nước", ông Trump nhận xét.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Financial Times

Việc đe doạ đóng cửa chính phủ diễn ra trong bối cảnh Hạ viện gần đây đã thông qua dự luật ngân sách, trong đó bao gồm khoản chi 1,6 tỉ USD để xây tường biên giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nằm ở thượng viện khi phe Dân chủ phản đối gắn khoản chi này với dự luật ngân sách.

Trong suốt quá trình tranh cử, Tổng thống Trump luôn tuyên bố sẽ xây dựng bức tường biên giới với Mexico như là một ưu tiên chính sách của mình, cũng như khẳng định sẽ ép nước láng giềng chi tiền cho bức tường mà ông xây. Dù vậy, khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump không thể ép Mexico chi tiền xây tường biên giới nên chuyển sang yêu cầu xây dựng bức tường bằng ngân sách của Mỹ trước rồi "đòi" Mexico trả lại tiền sau.

Theo Washington Examiner, lời đe dọa của Tổng thống có thể thúc đẩy Đảng Cộng hòa (GOP) tìm mọi cách bổ sung khoản chi này vào dự luật, bất chấp nguy cơ mất phiếu từ Dân chủ và có thể là từ chính một số thành viên của chính GOP, dù các thượng nghị sĩ GOP vẫn không muốn đối đầu với Dân chủ về vấn đề ngân sách. GOP lo ngại nếu việc đóng cửa xảy ra, sẽ khiến dư luận đánh giá rằng đảng này, hiện kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội và Nhà Trắng, không có năng lực lãnh đạo đất nước.

Vì vậy, GOP vẫn đang cân nhắc một kế hoạch rộng hơn nhằm cải thiện an ninh biên giới thông qua nâng cấp hạ tầng, sử dụng công nghệ và tăng cường thực thi pháp luật.

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump doạ đóng cửa chính phủ. Hồi đầu năm nay, trong dự luật chi tiêu ngắn hạn, khi chính quyền ông không được cấp tiền xây tường biên giới, ngay lập tức ông Trump đã viết trên Twitter rằng cần "đóng cửa tốt đẹp" chính phủ vào tháng 9 để giải quyết vấn đề này.

Việc đóng cửa chính phủ Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 1-10 nếu quốc hội không thông qua dự luật ngân sách mới. Và kịch bản khả thi nhất trong trường hợp này là quốc hội thông qua biện pháp giúp chính phủ có tiền hoạt động thêm vài tháng, trong đó không có khoản chi cho bức tường biên giới, theo The Hill.

Ngoài ra, biện pháp nhằm nâng trần nợ công - cũng là một cuộc chiến quan trọng khác chờ quốc hội Mỹ, nếu không, quốc hội sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. 

Trước đó, ngày 21-8, ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự báo quốc hội sẽ nâng trần nợ công kịp thời để ngăn nguy cơ này. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện không muốn có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào với bước đi này.

Trong khi đó, nhiều thành viên GOP lại đòi cắt giảm chi tiêu đáng kể để đổi lấy việc nâng trần nợ công, gây khó khăn cho tiến trình mà ông Mnuchin muốn thấy quốc hội hoàn tất trước ngày 29-9.

Một trở ngại nữa cho những nỗ lực nêu trên là việc Tổng thống Donald Trump và ông McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện đang "chiến tranh lạnh" và không nói chuyện với nhau nhiều tuần qua. 

CNN ngày 23-8 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Mitch McConnell đã không nói chuyện với nhau suốt gần hai tuần. 

Lần cuối cùng hai người trao đổi là một cuộc điện thoại to tiếng vào ngày 9-8, khi ông Trump bày tỏ sự tức giận về vai trò của Thượng viện Mỹ trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, và vụ ông Trump bị “trói tay” đối với các lệnh trừng phạt Nga, theo The New York Times.

The New York Times cũng tiết lộ ông chủ Nhà Trắng chê ông McConnell không thể vận động sự ủng hộ của thành viên GOP đối với kế hoạch bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (còn gọi là Obamacare). Thậm chí, ông Trump đã lên Twitter đăng đàn công kích ông McConnell là làm việc “thiếu hiệu quả”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cơ sở của Lực lượng hải quan và tuần tra biên giới ở TP Yuma, bang Arizona hôm 22-8 Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ông McConnell lo ngại về sự thiếu kinh nghiệm chính trị và phương thức lãnh đạo đất nước của ông Donald Trump. Mối quan hệ giữa ông Trump với người “đồng minh” quyền lực tại Thượng viện Mỹ đang thấp hơn bao giờ hết, đặc biệt sau khi ông Trump liên tiếp từ chối lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và phát xít mới trong vụ bạo loạn ở Virginia đầu tháng 8. Ông McConnel ngày càng không không hài lòng với cách cư xử của vị Tổng thống trong các vấn đề chính trị.

Không có gì lạ khi chuyên gia kinh tế Alec Phillips của Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá có 50% khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian ngắn.

Author: An Nhiên

News day