Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 05/09/2018 10:00 AM
Rạng sáng nay (9/5) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp đặt trừng phạt trở lại với Iran và rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.

Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết ngày 14/7/2015 vốn được coi là một thành tựu đối ngoại của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Phát biểu từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump lặp lại nhận định cho rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 mà chính quyền tiền nhiệm Obama đã ký với Iran, Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc là "một thỏa thuận tệ hại", “có khiếm khuyết ở cốt lõi” và "không có ích gì cho hòa bình".

Theo ông Donald Trump, chính điều này tác động tối thiểu trong việc hạn chế làm giàu hạt nhân của Iran và giúp chính phủ Tehran có ngân sách để tài trợ cho hoạt động của nước này khắp khu vực Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump ký quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Chúng ta sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất. Bất cứ quốc gia nào giúp đỡ Iran tìm kiếm vũ khí hạt nhân cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt nghiêm khắc. Nước Mỹ sẽ không bị làm con tin của mối đe dọa hạt nhân nào".

Trong bài phát biểu từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, sau khi rút khỏi thỏa thuận 2015, Mỹ sẽ cùng các đồng minh tìm kiếm "giải pháp thực chất, toàn diện và lâu dài" đối với vấn đề hạt nhân của Iran cũng như sẵn sàng đàm phán với Iran một hiệp định mới. Tuy nhiên, phía Iran đã bác bỏ khả năng đàm phán lại bản thỏa thuận đã có hiệu lực trong vài năm qua.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sau thông báo của ông Donald Trump, lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ được áp đặt trở lại trong 3 đến 6 tháng tới. Theo đó, Iran sẽ bị cấm mua hoặc mua lại đồng USD của Mỹ sau 90 ngày. Sau đó, các biện pháp trừng phạt cũng sẽ được áp đặt đối với lượng thép, than, nhôm, lĩnh vực ôtô cũng như phụ tùng và dịch vụ máy bay chở khách. Các biện pháp trừng phạt về tài chính và dầu mỏ sẽ được đưa ra sau 180 ngày.

Đáp lại, phía Iran nói rằng nước này sẽ chuẩn bị tái khởi động làm giàu uranium – "chìa khóa" cho cả năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Mỹ đã thông báo rằng họ không tôn trọng những cam kết của họ. Tôi đã ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran sẵn sàng hành động nếu cần thiết, để cho khi cần, chúng tôi có thể tái làm giàu (uranium) ở mức độ công nghiệp mà không có bất cứ giới hạn nào".

Ngay lập tức, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận dù Mỹ rút lui. Ảnh minh họa: Getty

Chỉ ít phút sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, lãnh đạo EU đã tuyên bố tiếp tục tôn trọng thỏa thuận đã ký và kêu gọi thế giới ủng hộ thỏa thuận.

Quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận này động chạm tới quyền lợi cốt lõi của Liên minh châu Âu. Chỉ tính riêng về kinh tế, việc Mỹ áp đặt trở lại cấm vận kinh tế với Iran sẽ là thảm họa đối với các công ty của châu Âu đã ồ ạt đầu tư vào Iran những năm qua. Đại diện cấp cao về An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu - bà Federica Mogherini khẳng định chừng nào Iran còn tôn trọng các cam kết ngưng phát triển vũ khí hạt nhân, Liên minh châu Âu sẽ còn cam kết thực hiện đầy đủ và thực chất thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố "vô cùng thất vọng", đồng thời khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại để tiếp tục thỏa thuận. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Không có và không thể có cơ sở để phá vỡ JCPOA. Kế hoạch đã cho thấy sự hiệu quả hoàn toàn. Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)".

Ngược lại, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh quyết định của ông Trump.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day