Mỹ - Campuchia bắt đầu căng thẳng ngoại giao
Bình Nguyên 09/14/2017 01:00 PM
Ngày 13/9, trang thông tin điện tử của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia phát đi thông cáo cơ quan này sẽ tạm dừng cấp thị thực cho quan chức Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia vì những lí do chính trị.

Thông cáo trên nêu rõ lý do của quyết định này được cho là do phía Campuchia trì hoãn việc tiếp nhận trở lại các công dân Campuchia bị phía Mỹ trục xuất. Việc cấp thị thực sẽ chỉ được tiếp tục tiến hành khi Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ nhận được thông tin cho thấy Campuchia đồng ý tiếp nhận lại số công dân của mình.

Cụ thể, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia sẽ tạm dừng cấp thị thực loại B1, B2 và B1/B2 đối với các quan chức Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia từ cấp Tổng vụ trưởng trở lên và các thành viên gia đình họ.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt. Ảnh: The Phnom Penh Post

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia dẫn Điều 243(d), Luật Di trú và Quốc tịch Mỹ quy định Bộ Ngoại giao được phép ra chỉ thị cho các lãnh sự dừng cấp thị thực cho công dân của một quốc gia khi Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ xác nhận rằng, nước đó từ chối hoặc đưa ra lý do không hợp lý nhận lại công dân của mình bị trục xuất khỏi Mỹ.

Trước việc Mỹ tuyên bố dừng cấp thị thực cho nhân viên ngoại giao Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Campuchia, ông Chum Sony cho biết cơ quan này đang xem xét vấn đề trên để có đối sách phù hợp.

Động thái bất ngờ của cơ quan ngoại giao Mỹ tại Campuchia diễn ra trong bối cảnh Washington nhiều lần phản đối về vụ bắt giữ lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha, đồng thời bác bỏ các cáo buộc từ phía Chính phủ nước này về việc Mỹ đứng sau "giật dây" ông Kem Sokha để can thiệp vào nội bộ tại Campuchia.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt trước đó đã chỉ trích về vụ bắt giữ, đồng thời kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho ông Sokha. Vụ bắt giữ ông Kem Sokha với cáo buộc "phản quốc" đã gây chú ý đặc biệt tại Campuchia. Nhà chức trách Campuchia cho biết đã thu thập được các bằng chứng quan trọng là đoạn được trang CBN (Cambodian Broadcasting Network) có trụ sở tại Australia đăng tải và một số chứng cứ khác, cho thấy rõ ông Kem Sokha cùng nhiều người đã cấu kết bí mật với nước ngoài làm ảnh hưởng đến đất nước.

Ông Kem Sokha bị cáo buộc tội "phản quốc". Ảnh: The Phnom Penh Post

Trước đó, trang mạng này cũng thông báo có sở hữu một đoạn video, trong đó ghi lại cảnh ông Kem Sokha thảo luận về việc lật đổ Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Trong đoạn video, ông Kem Sokha cũng cho biết được mời tới các cuộc họp tại Mỹ về phát triển dân chủ mà ông sẽ áp dụng chúng tại Campuchia.

Trong một diễn biến liên quan, khi đảng cầm quyền yêu cầu lãnh đạo CNRP nhanh chóng tìm lãnh đạo mới cho đảng này trước cuộc bầu cử, CNRP đã khẳng định sẽ không thay đổi lãnh đạo. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gọi thẳng thắn ông Kem Sokha là "con rối của nước Mỹ" và điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc căng thẳng ngoại giao và thương mại giữa hai nước. 

CNRP hôm 12/9 tuyên bố sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018 bất chấp việc Chủ tịch đảng này là ông Kem Sokha bị truy tố tội phản quốc. Tờ Khmer Times thông tin, trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Sam Rainsy đã tuyên bố thành lập Hiệp hội Dân chủ ở Campuchia và kêu gọi người dân Campuchia bất kể tầng lớp xã hội hay người Campuchia ở nước ngoài tham gia hiệp hội này. Trong khi đó, cựu lãnh đạo Đảng CNRP - ông Sam Rainsy hiện đang sống lưu vong tại nước ngoài, đã bị cấm hoạt động chính trị tại Campuchia - tuyên bố đã thành lập một hiệp hội để thúc đẩy nền dân chủ ở Campuchia.

Author: Bình Nguyên

News day