Mất ngủ dễ gây ra bệnh Alzheimer
Dã Thảo 02/15/2018 01:30 PM
Một nghiên cứu mới đây cho biết những người có giấc ngủ bị gián đoạn và những người có chu kỳ ngủ không ổn định có dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer.

Chúng ta đều biết rằng mất ngủ hay thiếu ngủ đều không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt đối với người lớn tuổi, một giấc ngủ ngon là điều vô cùng cần thiết. Bởi đây là đối tượng hay mắc chứng mất ngủ và có nguy cơ cao mắc các bệnh về trí nhớ, trong đó có bệnh Alzheimer (Một trong những dạng phổ biến của tuổi già - Hội chứng suy giảm trí nhớ).

Có không ít các nghiên cứu về mối liên hệ giữa giấc ngủ và dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Cụ thể hơn đó là mối liên hệ giữa giấc ngủ và sự tích tụ protein, các mảng amyloid gây nên bệnh Alzheimer.

Chưa có kết luận chính xác về việc ngủ ít gây ra sự tích tụ protein hay chính sự tích tụ đó gây ra hiện tượng mất ngủ. Nhưng rất có thể cả hai phỏng đoán đều đúng.

Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí JAMA Neurology cho biết những người lớn tuổi có trí nhớ khỏe mạnh có sự gián đoạn nhịp sinh học - thường là chu trình ngủ - có sự tích tụ protein của một chất gọi là mảng bám amyloid, có thể mang dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer. Những tổn thương gây ra chứng mất trí nhớ liên quan đến Alzheimer có thể bắt đầu từ 15 đến 20 năm trước khi các triệu chứng của bệnh trở nên rõ ràng.

Mất ngủ là một chứng bệnh người lớn tuổi luôn phải đối mặt. Ảnh: News room

Có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã theo dõi chu kỳ giấc ngủ của 189 người trưởng thành khỏe mạnh có độ tuổi trung bình 66. Họ cũng phân tích não của họ để tìm các protein và mảng bám liên quan đến Alzheimer.

Hầu hết những người tham gia đều có chu kỳ ngủ tương đối bình thường và 139 người không có dấu hiệu tích tụ protein amyloid. Một số người có vấn đề về giấc ngủ, nhưng hầu hết họ có thể giải thích vấn đề này là do tuổi, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các nguyên nhân khác.

Nhưng, 50 đối tượng có chứa các protein liên quan đến Alzheimer đã bị phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể.

Tiến sĩ Erik Musiek, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Không phải đối tượng trong nghiên cứu bị thiếu ngủ hoàn toàn. Nhưng giấc ngủ của họ có xu hướng bị phân mảnh. Ngủ 8 tiếng vào ban đêm rất khác so với việc ngủ nhiều lần trong ngày mới đủ 8 tiếng”.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu cũng làm gián đoạn nhịp điệu của chuột và thấy rằng làm như vậy đã dẫn đến sự tích tụ mảng bám amyloid trong não của chúng.

Các protein amyloid là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh Alzheimer. Ảnh: Getty Images)

Hệ quả lớn

Giấc ngủ có chức năng làm sạch. Trong giấc ngủ sâu, bộ não của con người rửa sạch một số protein thường xuyên tích tụ. Vậy nên, bất kỳ rối loạn nào về giấc ngủ cũng có thể dẫn đến sự thay đổi trong não bộ.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng một khi các mảng bám protein tồn tại, con người khó có thể làm sạch giấc ngủ hơn. Nói cách khác, mất ngủ thường xuyên có thể dẫn đến một chu kỳ luẩn quẩn khiến não không thể nghỉ ngơi với mức cần thiết. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến trí nhớ mà còn gây ra các chứng bệnh tim mạch.

Mất ngủ kinh niên gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock

Kết luận

Đương nhiên, hệ quả của mất ngủ rất rõ ràng, nhưng không có nghĩa là một đêm mất ngủ dẫn tới bệnh Alzheimer. Bởi các tác động tiêu cực có thể sẽ sớm biến mất khi người đó được nghỉ ngơi và có giấc ngủ đầy đủ. Nhóm nghiên cứu cũng chưa chắc chắn, liệu chất lượng giấc ngủ được cải thiện có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không.

Vấn đề chính nằm ở những người mắc chứng mất ngủ kinh niên. Những người này sẽ có mức protein amyloid cao, gây nên chứng bệnh Alzheimer.

Các nhà khoa học kết luận: “Vào thời điểm này, chúng tôi không thể khẳng định liệu cải thiện giấc ngủ có giúp giảm nguy cơ mắc Alzheimer hay không. Chúng tôi chỉ có thể kết luận rằng, một giấc ngủ không tốt có thể gia tăng mức độ các protein liên quan đến Alzheimer. Dù sao đi chăng nữa, ai cũng mong muốn có những đêm ngon giấc”.

 

Author: Dã Thảo

News day