Lí giải tại sao tháp Pisa nghiêng mà không bị đổ
Mây 05/15/2017 05:00 PM
Tháp nghiêng Pisa vốn là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của đất nước Italia và cũng là tòa tháp nổi tiếng thế giới. Nhưng có bao giờ các bạn thắc mắc vì sao toà tháp này lại nghiêng như thế? Và tại sao nó nghiêng mà không bị đổ không? Chúng ta hãy cùng khám phá nhé!

Theo thống kê, mỗi năm có tới gần 50 triệu du khách tới Italia, tham quan tháp nghiêng Pisa. Tháp nghiêng Pisa ban đầu được thiết kế là tháp chuông bên cạnh nhà thờ Pisa, nằm trong tổng thể khu phức hợp nhà thờ (theo kế hoạch gồm cả nhà rửa tội, nghĩa trang...). Tháp được khởi công vào năm 1173. 5 năm sau đó tức là năm 1178, khi người ta đang thi công tới tầng thứ 3 của toà tháp thì phát hiện toà tháp bắt đầu nghiêng về phía bắc.

Ảnh: wikimedia.org

Nguyên nhân đầu tiên được cho là do chính đặc điểm địa hình của thành phố Pisa. Tên gọi của thành phố này có từ khoảng 600 năm trước công nguyên, và trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vùng đất lầy lội”. Bởi vậy, đất ở vùng này chủ yếu là bùn, cát, đất sét... dẫn tới công trình xây dựng trên đó có khả năng nghiêng cao hơn các vùng khác.

Minh chứng cho thấy, nhiều tòa nhà khác tại Pisa cũng bị nghiêng do được xây trên nền đất mềm, trong đó có nhà thờ San Nicola từ thế kỷ 12 nằm ở phía nam của tháp nghiêng Pisa và nhà thờ San Michele degli Scalzi ở phía đông tòa tháp.

Thứ hai, ngay từ khi khởi công, móng của toà tháp được làm từ hỗn hợp đất sét đặc, vỏ sò và cát. Thành phần móng như vậy cùng với độ sâu chỉ khoảng 3m không đủ đỡ trọng lượng của toà tháp. Chưa kể đến các yếu tố con người: thiếu sót trong khâu thiết kế, xây dựng, quản lý dẫn đến tháp bị nghiêng.

Lại nói về lịch sử tháp Pisa, chiến tranh giữa Pisa và một thành phố khác là Genoa nổ ra không lâu sau khi thi công, khiến công trình bị dang dở suốt gần một thế kỷ. Tới khi nối lại việc xây dựng tháp, Kỹ sư trưởng công trình là Giovanni di Simone đã cho gia cố thêm nền móng của phần bị nghiêng. Tuy nhiên, do trọng lượng mà phần móng phải “gánh” thêm, công trình thậm chí còn nghiêng hơn trước.

Ảnh: blog-city.info

Toà tháp hoàn thành vào năm 1370, tức là sau gần 2 thế kỷ từ lúc khởi công. Tới thế kỷ 19, nghiên cứu cho thấy tháp Pisa vẫn tiếp tục nghiêng theo thời gian dù đã được gia cố. Theo tính toán, tháp Pisa nghiêng khoảng 0,05 inch (khoảng 0,1 cm) mỗi năm.

Đến năm 1990, độ nghiêng của tháp Pisa đo được là 5,5 độ (khoảng 4,5 m - chênh lệnh mặt phẳng giữa đỉnh tháp và chân tháp). Giới chức Italia quyết định cho đóng cửa toà tháp để tiếp tục nâng cấp. Tới năm 2001, tháp mở cửa trở lại với độ nghiêng 4 độ (tương đương 4,1 m). Năm 2008, con số này đã bớt đi khoảng 48 cm nữa.

Giờ đây, các chuyên gia, kỹ sư và kiến trúc sư Italia khẳng định, toà tháp sẽ nghiêng ổn định trong khoảng 200 năm mà không bị sụp đổ, trừ khi có động đất hoặc thảm hoạ tự nhiên.

Ảnh: ipfactly.com

Như vậy, với những nỗ lực của kiến trúc hiện đại, các ấy hoàn toàn có thể yên tâm rằng tháp Pisa sẽ không bị đổ sụp đâu nhé!

Author: Mây

News day