Gareth Bale, Ronaldo, hay Beckham mới? Không, đây là Son Heung-min!
CTV Đình Hiển 01/04/2018 09:30 AM
Sinh ra trong một gia đình ưa sự xê dịch, tuổi thơ của Son là những năm tháng theo bố mẹ chu du sang Canada, Pháp trước khi tạm dừng chân ở New Zealand và sau đó là quay về Hàn Quốc. Giờ đây, cậu bé tốt nghiệp tiểu học với tư cách thủ khoa đầu ra năm nào lại được ví như là một Gareth Bale mới ở Tottenham, một Ronaldo của Đại Hàn Dân Quốc hay một Beckham của Châu Á. Nhưng không, anh là Son Heung-min, mặt trời Á Châu giữa lòng Anh Quốc.

Từ một Ballboy

Từ chỗ là một cậu bé có tương lai học thức xán lạn. Năm thứ hai của bậc trung học phổ thông, Son quyết định từ bỏ việc học để theo đuổi niềm đam mê từ nhỏ với quả bóng tròn để gia nhập lò đào tạo trẻ của FC Seoul. Cậu bé nhặt bóng (Ballboy) cho đội một nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các chuyên gia với những pha biểu diễn kỹ thuật đều đặn hai chân như một ngoài đường pitch.

Để rồi năm 2008, cậu thanh niên 16 tuổi bỏ mặc những kế hoạch dang dở, nén lại một bên nỗi sợ hãi cô đơn khi mà bức tường về văn hóa và ngôn ngữ sừng sững trước mắt. Son chân ướt chân ráo cập bến thành phố cảng Hamburg của nước Đức. Lại một chuyến đi nữa của Heung-min, nhưng khác với những lần trước đây là chuyến đi của sự nghiệp, của tương lai và của cuộc đời.

Heung-min từng gồng gánh Hamburger SV khi còn rất trẻ.
Ảnh: Daily Mail

Cái ngày đưa chàng trai trẻ Châu Á về sân Imtech, hẳn câu lạc bộ (CLB) Hamburger SV cũng không dám nghĩ sẽ có ngày đội bóng sống tốt dựa vào hơi thở của một cầu thủ đến từ Châu Á. Năm 2012, đó là giai đoạn Hamburger chảy máu lực lượng trầm trọng, nhưng họ vẫn có thể xếp thứ 7 với niềm cảm hứng không ai khác ngoài anh chàng mắt híp đa năng trên hàng công.

Đến cầu thủ đắt giá nhất Châu Á

Và rồi bỗng chốc, từ một nơi nuôi dưỡng tài năng của Son Heung-min, sân khấu Imtech trở nên quá đỗi bé nhỏ để cầu thủ người Hàn có thể vẫy vùng. 10 triệu Euro là mức giá chuyển nhượng cao nhất mà Bayer Leverkusen từng trả trong lịch sử để có được sự phục vụ của Son vào năm 2013. Hơn 2 năm sau, Tottenham đã phải chi con số gấp 3 lần như vậy để biến Son Heung-min trở thành cầu thủ Châu Á đắt giá nhất trong lịch sử.

Thế nhưng đến với xứ sở sương mù, nơi mọi diễn biến đều đặt dưới sự soi rọi cặn kẽ của giới truyền thông, nhất là với môn thể thao vua. Ngay lập tức những trở ngại ập đến với Son, 11 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên không phải là một thành tích tồi nhưng cũng không thể nào làm thỏa mãn tất cả, nhất là với mức giá 30 triệu euro mà một đội bóng không quá dồi dào về ngân sách như Tottenham đã chấp nhận chi ra lúc bấy giờ.

Tiền vệ người Hàn Quốc từng gặp vô vàn khó khăn khi đến Anh.
Ảnh: Banh88

Ngay lập tức, những sự hoài nghi về khả năng tiếp nối thành công vang dội của tiền bối Park Ji-sung chĩa về phía chàng trai trẻ. Đó là còn chưa kể tới việc Son một lần nữa phải đối diện với những khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ, thời tiết và đáng buồn thay là vấn đề phân biệt chủng tộc, điều mà anh chưa bao giờ phải đối diện trực tiếp ở Đức hay bất kỳ nơi đâu.

"Bán đĩa DVD" là tiếng lóng ở Anh, dùng để miệt thị những cầu thủ người Châu Á. Đây là một câu nói mang tính phân biệt chủng tộc của một người tự nhận là cổ động viên của West Ham hướng về phía chiếc xe của Son.

Sau tất cả, Son vẫn luôn lạc quan và dần chiếm được lòng tin nơi Ban huấn luyện.
Ảnh: Football

Thế nhưng, sau bao khó khăn phải đối diện, chàng trai với nụ cười tỏa nắng vẫn lạc quan, dí dỏm trả lời truyền thông bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, đáng yêu: “Thực ra thì tôi không có vấn đề gì với chuyên môn, nhưng giao thông ở đây khó hiểu quá. Lái xe trót lọt còn khó hơn cả rê bóng qua hàng thủ Chelsea nữa.”

Và còn hơn thế nữa...

Son Heung-min đến Tottenham mang bóng dáng của một Gareth Bale năm nào, với những kỹ năng nổi bật nằm ở tốc độ mạnh mẽ, khả năng xâm nhập vòng cấm tốt. Đặc biệt sự nhạy cảm nơi vòng cấm, cùng khả năng dứt điểm tuyệt vời bằng cả hai chân khiến người ta ví von anh là Ronaldo của Châu Á.

Không chỉ có vậy, mới đây nhất người thầy ở Tottenham là Pochettino cũng đánh giá cao cầu thủ người Hàn Quốc về chuyên môn lẫn tác phong: “Sonny rất khiêm tốn, mọi người yêu mến cậu ấy không chỉ vì màn trình diễn ở trên sân mà còn bởi anh ấy là người đàn ông đích thực và điều này khiến cậu ta trở nên rất quan trọng với chúng tôi. Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của cầu thủ này tại quê hương của mình thậm chí còn vượt qua biên giới của Hàn Quốc như thể là David Beckham vậy.”

Heung-min luôn dũng mãnh và sở hữu những kỹ năng tuyệt vời.
Ảnh: Independent

Thế nhưng, cho dù được ví von thế nào đi chăng nữa thì Son Heung-min vẫn đang tự tạo lập tên tuổi cho riêng mình mà không phải “ăn theo” một biểu tượng nào khác. Bởi bản thân anh vốn dĩ đã là một biểu tượng, một niềm tự hào của cả Châu Á.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Son đã phá kỷ lục ghi 19 bàn tại Ngoại hạng Anh (NHA) của tiền bối Park Ji-sung chỉ sau hai năm chuyển đến đây thi đấu. Anh còn là cầu thủ Châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất tháng tại NHA. Dù chưa gặt hái được những danh hiệu cùng Tottenham nhưng so với vị thế là một quân cờ chiến lược của đàn anh tại M.U, Son thậm chí còn trực tiếp đóng góp và có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ vào lối chơi chung của “Gà trống”.

Tầm ảnh hưởng của Heung-min đang được "toàn cầu hóa".
Ảnh: Fantasy Football

Ghi được 9 bàn sau nửa mùa trong đó có đến 5 bàn trong 7 trận gần nhất. Có thể nói, ở Tottenham lúc này, vai trò của Heung-min chỉ đứng sau đội trưởng Harry Kane. Nếu cứ duy trì hiệu suất làm bàn ấn tượng như hiện tại, chính đôi mắt híp đặt trưng từng bị chế giễu của Son sẽ trở thành nỗi ám ảnh của những kẻ thấp kém kia.

Bởi mỗi khi ghi bàn, chúng ta lại được chứng kiến nụ cười rạng rỡ đến “không thấy mặt trời” của chàng trai xứ kim chi. Nụ cười ấy đang dần trở nên quen thuộc và trở thành thương hiệu của Son Heung-min, mặt trời Á Đông tỏa nắng giữa lòng London và truyền những tia sáng mang đầy cảm hứng vươn lên cho thanh niên Châu Á.

Author: CTV Đình Hiển

News day