John Terry và bản giao hưởng dang dở Stamford Bridge
CTV Hữu Nha 03/10/2018 09:30 AM
Ngày 28/10/1998, Chelsea đối đầu Aston Villa trong khuôn khổ cúp Liên đoàn Anh, từ băng ghế dự bị, chàng trai 18 tuổi, thân hình cao to, gương mặt non chẹt vào sân thay đàn anh Dan Petrescu. Đó là lần đầu tiên John Terry được ra sân trong một trận đấu chính thức, lần đầu tiên dấu giày in trên mặt cỏ Stamford Bridge, khởi đầu cho sự nghiệp bóng đá đỉnh cao, dù chỉ vỏn vẹn 4 phút. Nhưng còn hơn thế, không ai ngờ rằng giây phút ấy cũng là điểm bắt đầu cho một huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử The Blues.

Nửa sau thế kỉ 18, nghệ thuật giao hưởng được khơi nguồn bởi cha đẻ là thiên tài người Áo Joseph Haydn. Đó là một thứ âm nhạc đầy tính học thuật và kén người nghe. Khác hẳn Jazz mang trong mình sự hoang dã, ma mị và thần bí, giao hưởng là biểu hiện của vẻ đẹp mang tính từng trải, chuẩn mực, dịu dàng nhưng lại dữ dội đến huyễn hoặc.

Chính vì kén người nghe nên muốn trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất của âm nhạc, giao hưởng phải chờ đợi đến sự hiện diện của những Mozart, Beethoven, Tchaikovsky.... những nhà soạn nhạc thiên tài giúp giao hưởng êm ái, mềm mại, nhẹ nhàng hơn.

Một bản hòa tấu bao giờ cũng phải đảm bảo bốn bộ nhạc khí chính bao gồm bộ gỗ, bộ đồng, bộ gõ và bộ dây. Và để các nhạc cụ hòa quyện vào nhau đến tan chảy, bất kì dàn nhạc nào cũng cần một người nhạc trưởng, người quyền lực nhất, người cầm trên tay chiếc đũa thần, dẫn dắt cảm xúc người nghe đến cao trào.

Người nhạc trưởng vĩ đại ở Stamford Bridge.
Ảnh: Guardian

Trở về với nước Anh những năm đầu thế kỉ 21, ở phía đông Luân Đôn, có một người không là nghệ sĩ nhưng hội tụ đầy đủ những quy chuẩn của một nhạc trưởng, đầy bản lĩnh, tài năng, giàu cảm xúc. Mỗi cuối tuần, hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn chăm chú theo dõi và say mê, tận hưởng những giai điệu đẹp nhất mà anh mang lại. Đó không phải điệu Jazz, không phải một bản Sonata nào đó của Beethoven. Ấy vậy mà trong những bản nhạc được trình diễn ở sân khấu Stamford Bridge, người đàn ông ấy vẫn trở thành người nhạc trưởng vĩ đại nhất, mang đến nhiều cảm xúc nhất, người dẫn dắt dòng chảy màu xanh Chelsea len lỏi đến tất cả. Anh là John Terry!

Khởi đầu để trở thành huyền thoại

Ngày 28/10/1998, Chelsea đối đầu Aston Villa trong khuôn khổ cúp Liên đoàn Anh, từ băng ghế dự bị, chàng trai 18 tuổi, thân hình cao to, gương mặt non chẹt vào sân thay đàn anh Dan Petrescu. Đó là lần đầu tiên John Terry được ra sân trong một trận đấu chính thức, lần đầu tiên dấu giày in trên mặt cỏ Stamford Bridge, khởi đầu cho sự nghiệp bóng đá đỉnh cao, dù chỉ vỏn vẹn 4 phút. Nhưng còn hơn thế, không ai ngờ rằng giây phút ấy cũng là điểm bắt đầu cho một huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử The Blues.

22 năm gắn bó với Chelsea trong đó có 19 năm ở đội một, 13 năm mang tấm băng đội trưởng, Terry cùng với câu lạc bộ (CLB) thành London giành vô số danh hiệu khác nhau với 4 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 cúp FA, 3 cúp Liên đoàn, 2 siêu cúp Anh, 1 Europa League và một Champions League. Ngoài những thành tích tập thể, Terry còn sở hữu cho riêng mình rất nhiều những danh hiệu cá nhân và hàng loạt kỉ lục đáng nể khác.

Đối với Chelsea, Terry chính là một di sản. Dù chọn cách nhìn vào những con số thống kê chói lọi hay những scandal bên ngoài sân cỏ đầy tai tiếng thì không ai có thể phủ nhận rằng Terry là một thủ lĩnh hiếm có.

John Terry - Huyền thoại của Chelsea!
Ảnh: Chelsea FC

Rèn luyện tố chất từ những ngày đầu

Sau khi chuyển từ đội trẻ West Ham sang đội trẻ Chelsea năm 1995, Terry đã cố gắng học hỏi và rèn luyện không ngừng nghỉ. Sớm bộc lộ được khả năng chơi bóng và được nhiều đội bóng khác ở Anh để ý, chèo kéo với những điều kiện hấp dẫn nhưng chàng trai trẻ vẫn kiên quyết ở lại. Terry cần thời gian để trưởng thành và đương nhiên không nơi nào tốt hơn tại Stamford Bridge, anh biết rằng đây chính là môi trường giúp mình học hỏi và tiến bộ nhanh nhất.

Terry nỗ lực rèn luyện từ những ngày đầu.
Ảnh: Instagram John Terry

Ở một độ tuổi mà phần lớn các chàng trai khác còn ham chơi và dành thời gian rảnh rỗi để tán tỉnh, hẹn hò, John lại chọn lao đầu vào tập luyện, cải thiện thể lực. Cái rét mùa đông của xứ sở sương mù không ngăn được đam mê với trái bóng và quyết tâm thể hiện mình của chàng trai trẻ.

Mario Melchiot, cựu hậu vệ Chelsea (1999 - 2004), viết trên blog cá nhân:

"Khi trời rét căm căm, ai cũng phải phủ kín từ đầu đến chân với bộ đồ tập dài, găng tay và mũ trùm, John Terry vẫn mặc áo cộc tay mà tập. Cuối buổi, ai cũng muốn vào trong cho ấm, chỉ có John đến hỏi tôi: 'Anh giúp em tạt cánh với, em muốn tập thêm mấy bài đánh đầu phá bóng. Nếu còn thời gian thì chuyển sang bài tấn công'. Ban đầu, tôi thật sự nghĩ thằng nhóc này bị điên. Nhưng tất cả buổi tập còn lại trong suốt mùa đông đều như thế: Quần short, áo cộc tay và lúc nào cũng chỉ muốn tập thêm.

Rồi đến ngày kia, John bị chấn thương cổ sau một vài cú đánh đầu sai tư thế. Có vẻ rất đau vì tôi thấy cậu ta khóc trong lúc được chăm sóc ở phòng y tế. Vậy mà sang hôm sau, vẫn lại là John đến nhờ tôi tạt cánh cho cậu ấy tập. Lần này, Claudio Ranieri phải ra mặt. Ông ấy nói với Terry: 'Lần sau cậu còn vào sân mà không mặc áo tập dày, tôi sẽ phạt cậu'. Đấy là lúc tôi biết người kế nhiệm tấm băng thủ quân của Dennis Wise chỉ có thể là John Terry mà thôi".

Tập luyện không ngừng nghỉ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi các đồng đội nhận xét về Terry. Ở Chelsea không một ai nỗ lực và khao khát chiến thắng mãnh liệt hơn anh ấy. Terry không ngại khó khăn, chấp nhận gạt bỏ cái tôi của một ngôi sao trẻ để được các anh lớn nhận làm học trò. Khi đã lên đội một, cậu nhóc 17 tuổi vẫn vui vẻ làm chân culi sai vặt, từ việc pha cà phê, rót nước, lau giày, gấp đồ cho đến... ủ ấm bệ xí cho đàn anh đi vệ sinh vào những ngày lạnh giá. David Lee cùng với Dennis Wise và Eddie Newton là ba cầu thủ thường xuyên được Terry phục vụ. Lee nhớ lại: "Khi trời lạnh, chúng tôi chỉ cần bảo Terry vào trong lấy ra cho mình cái áo khoác, cái mũ hay cái khăn. Cậu nhóc tuân lời với thái độ rất lễ phép".

Những đàn anh đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp John Terry.
Ảnh: Goal

Chính nhờ sự lễ phép và tinh thần ham học, Terry luôn được các đàn anh chỉ bảo tận tình, từ cách chạy chỗ, đánh đầu, chuyền bóng, phá bóng đến cả… phạm lỗi với đối phương. Ở mỗi người, Terry lại cố gắng tìm kiếm những kinh nghiệm khác nhau, anh muốn trở thành một cầu thủ toàn diện chứ không đơn thuần là một trung vệ chỉ chăm chăm đoạt bóng và phá bóng.

Nhìn cách Terry lao vào tranh chấp, không ngại va chạm trên sân tập có khi đến chảy máu, gãy tay, các đồng đội vừa trách lại vừa xót. Nhưng với Terry đó có là gì, đam mê mà…

Còn nữa…

Author: CTV Hữu Nha

News day