Những nhà độc tài khét tiếng thế kỉ XX
CTV Anh Trần (Dịch/Tổng hợp) 02/24/2018 12:30 PM
Adolf Hitler, Benito Mussolini và Francisco Franco đều là những nhà độc tài khét tiếng thế giới. Đặc biệt hơn là khi họ còn có mối liên hệ đặc biệt với nhau.

Adolf Hitler (1889 - 1945)

Adolf Hitler. Ảnh: abc.net.au

Adolf Hitler được sinh ra tại Braunau am Inn, Áo. Là một người có niềm đam mê với nghệ thuật, Hitler đã hai lần nộp đơn vào Học viện Mĩ thuật. Đáng tiếc thay, cả hai lần ông đều bị từ chối. Cũng chính từ đó, cuộc đời ông đã rẽ sang một hướng khác và trở thành trùm phát xít Đức.

Dưới một chế độ độc tài mà Hitler là người đứng đầu - Quốc trưởng, rất nhiều người đã hi sinh trong suốt khoảng thời gian đó. Hitler là người khơi màn Thế chiến II và gây ra cái chết cho ít nhất 11 triệu người. Trong đó không thể không nhắc đến nạn diệt chủng Do Thái - Holocaust. Cuộc thảm sát này đã khiến hơn 6 triệu dân Do Thái phải bỏ mạng.

Những tù nhân bị đưa đến trại tập trung Auschwitz, Ba Lan. Ảnh: history.com

Theo các sử gia, Hitler là người sẽ không bao giờ chịu cúi đầu nếu không bị dồn đến bước đường cùng. Khi Thế chiến đang trong giai đoạn đi đến hồi kết, khi Hồng quân Liên Xô đang ngày càng tiến đến Berlin gần hơn, Hitler vẫn tin rằng hàng phòng thủ của mình sẽ không bao giờ sụp đổ. Sự cố chấp này của Hitler đã phải đổi lại bằng hàng triệu tính mạng con người.

Cho đến khi nhận ra rằng Đức sẽ thua trong cuộc chiến này, Hitler đã tự tử cùng người vợ mới cưới - Eva Braun, khi Liên Xô và quân đồng minh dẫn quân tiến vào (30/4/1945). Xác của họ được mang đến một khu vực bị ném bom bên ngoài Thủ phủ Reich. Tuy nhiên, việc tìm thấy xác của Hitler cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Benito Mussolini (1883 - 1945)

Benito Mussolini. Ảnh: gildaesploratorierranti.com

Benito Mussolini, tên đầy đủ là Benito Amilcare Andrea Mussolini, sinh tại Predappio, nước Ý. Ông giữ chức vị Thủ tướng của nước Ý và là người đã chuyển chế độ chính trị của Ý sang chủ nghĩa phát xít. Trở thành một nhà độc tài hay còn được gọi là "Il duce" (nhà lãnh đạo) với mục tiêu tái lập nước Ý trở thành một cường quốc châu Âu. Đồng thời ông cũng là nhà tộc tài phát xít đầu tiên của châu Âu vào thế kỉ XX.

Chính Mussolini đã cung cấp, hỗ trợ quân sự cho Francisco Franco trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Thêm nữa, Mussolini còn được biết đến như là một thân hữu của Adolf Hitler. Mối quan hệ giữa ông và Đức Quốc xã càng trở nên thân thiết hơn khi Hiệp ước thép hay còn được gọi là Hiệp ước hữu nghị liên minh giữa Đức và Ý được ký kết vào năm 1939. Nó là sự liên minh về quân sự cũng như về chính trị của cả hai bên. Chịu sự ảnh hưởng từ Hitler, Mussolini cũng bắt đầu ban hành các chính sách bài Do Thái ngay tại chính đất nước của mình.

Mussolini được biết đến như là một thân hữu của Hitler. Ảnh: telegraph.co.uk

Tháng 06/1940, sự tuyên chiến của Mussolini đối với Anh và Pháp đã cho thấy rõ những điểm yếu về mặt quân sự. Kéo theo đó là hàng loạt những thất bại ở Bắc và Đông Phi. Cùng với đó là Balkans.

Tháng 07/1943, quân Đồng minh đổ bộ xuống Sicily, Mussolini bị lật đổ và bị giam giữ bởi chính những người trong chính phủ phát xít của ông. Tháng 09, Ý kí kết một hiệp định đình chiến với quân Đồng minh. Khi quân Đức bắt đầu chiếm đóng Ý, Mussolini được giải cứu và nhận được sự bảo trợ từ quân đội Đức. Tuy nhiên, khi quân Đồng minh tiến về phía Bắc xuyên qua nước Ý, Mussolini bỏ trốn sang Thụy Sĩ nhưng bị bắt lại bởi quân lính Ý.

Mussolini bị xử bắn vào ngày 28/04/1945. Thi thể của nhà độc tài được đưa đến Milan và bị treo ngược trước quảng trường trước khi được mang đi chôn cất.

Xác của Mussolini bị treo ngược tại quảng trường ở Milan, Ý. Trong đó còn có cả xác của quân lính, những người theo chủ nghĩa phát xít. Ảnh: nydailynews.com

Francisco Franco (1892 - 1975)

Francisco Franco. Ảnh: telegraph.co.uk

Francisco Franco, tên đầy đủ là Francisco Paulino Hermenegildo Teódulo Franco Bahamonde, sinh tại El Ferrol và mất tại Madrid, Tây Ban Nha. Ông là người lãnh đạo một cuộc nổi dậy quân sự nhằm lật đổ nền dân chủ cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha từ năm 1936 - 1939. Với hơn nửa triệu người chết, cuộc nội chiến được cho là một giai đoạn lịch sử đen tối và đẫm máu trong lịch sử Tây Ban Nha.

Khi cơ cấu kinh tế và xã hội Tây Ban Nha bắt đầu sụp đổ, Francisco Franco đã tham gia vào một cuộc nổi loạn đang diễn ra lúc bấy giờ, nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo chống lại chính quyền cánh tả của nền cộng hòa và giành được quyền kiểm soát. Sau thắng lợi từ cuộc nội chiến năm 1939, Franco bắt đầu thiết lập một chế độ độc tài và trở thành nhà lãnh đạo tối cao (tiếng Tây Ban Nha: Caudillo).

Ngày 18/07/1936, ông đọc một tuyên ngôn của chủ nghĩa dân tộc tại đảo Canary trong khi cuộc nổi dậy đã bắt đầu ở vùng tây bắc của Tây Ban Nha. Ngày tiếp theo, ông bay đến Morocco nhằm kiểm soát quân đội. Cũng chính lúc này đây, Franco nhận được sự hỗ trợ quân sự của cả Đức Quốc xã và Phát xít Ý. Cụ thể đó chính là những chiếc máy bay được sử dụng để đưa đón Franco và các lực lượng của ông đến Tây Ban Nha. Đối với Thế chiến II, Franco tuyên bố Tây Ban Nha chỉ giữ vị trí trung lập và khá tách biệt so với thế giới. Mặc dù vậy nhưng nhà độc tài vẫn gửi đi 50.000 tình nguyện viên để chiến đấu cùng với người Đức trong cuộc chiến chống lại Liên Xô tại mặt trận phía Đông. Đồng thời cho mở các hải cảng của Tây Ban Nha cho các tàu và tàu ngầm của Đức.

Adolf Hitler và Francisco Franco tại Hendaya, Pháp. Ảnh: abc.es

Franco thiết lập các cơ sở hoạt động tại Seville một tháng sau đó và bắt đầu các chiến dịch quân sự của mình. Cuộc nội chiến kéo dài trong suốt 3 năm. Ngày 01/04/1939, khi nhận được sự đầu hàng vô điều kiện, Franco đã tuyên bố kết thúc nội chiến Tây Ban Nha. Ước tính thương vong lên đến 500.000 người và trong đó 200.000 là kết quả của những cuộc hành quyết của Franco và các lực lượng của ông.

Trong suốt 40 năm độc tài của Franco, hàng chục ngàn người thuộc phe đối lập đã bị giết chết tại các trại tập trung, hàng trăm ngàn người dân Tây Ban Nha phải bỏ trốn sang nước ngoài. Đối vối họ mà nói đó là những năm tháng của bạo lực và giết chóc đẫm máu.

Franco là một người chống lại chế độ Cộng sản một cách mạnh mẽ. Do đó, dưới thời của ông, Tây Ban Nha được xem là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Cũng chính vì thế mà đất nước này nhận được nhiều sự hỗ trợ về kinh tế cũng như quân sự từ Hoa Kỳ cho việc thiết lập các căn cứ quân sự tại Tây Ban Nha.

Theo thời gian, Franco dần dần nới lỏng sự kiểm soát ở Tây Ban Nha. Ông tiến hành cải cách kinh tế cũng như thúc đẩy thị trường du lịch. Mặt khác, Franco vẫn duy trì vị trí của bản thân với tư cách là người đứng đầu đất nước. Năm 1969, khi sức khỏe bước vào thời kỳ suy giảm, ông chọn Juan Carlos I là người kế vị. Sau khi nhà độc tài Franco qua đời, chính vua Juan Carlos I là người phá bỏ bộ máy độc tài của Franco trước đó và tái thiết lập các đảng phái chính trị.

Vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Ảnh: telegraph.co.uk

Francisco Franco qua đời ngày 20/11/1975 tại Madrid. Ông được chôn cất tại một lăng mộ ở thung lũng Vallen - nơi được xây dựng bởi Franco thông qua việc sử dụng lao động cưỡng bức. Đó còn là tượng đài biểu hiện cho sự chết chóc của cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Author: CTV Anh Trần (Dịch/Tổng hợp)

News day