Catalan chính thức đơn phương tuyên bố độc lập, nhiều nước ủng hộ Tây Ban Nha
Thusy (Tổng hợp) 10/28/2017 10:30 AM
Hội đồng lập pháp địa phương Catalan (Catalonia) bất ngờ tuyên bố đơn phương độc lập khỏi Tây Ban Nha, khiến tình hình căng thẳng tại nước này lên một mốc cao mới.

Thượng viện nước bỏ phiếu cho phép chính phủ kích hoạt điều 155 trong hiến pháp đặt vùng Catalan dưới sự kiểm soát trực tiếp, chỉ vài phút sau nghị viện Catalan bỏ phiếu đồng ý tuyên bố độc lập. Chính quyền Madrid ngay lập tức đáp trả bằng cách sa thải chính quyền và hội đồng lập pháp địa phương, theo điều 155 hiến pháp.

Trong khi Thượng viện Tây Ban Nha dễ dàng thống nhất, thì thực tế 70 phiếu thuận/10 phiếu chống, 55 nghị viên từ chối bỏ phiếu tại nghị viện Catalan cho thấy sự chia rẽ lớn trong nội bộ.

Người dân Catalan biểu tình ủng hộ ly khai trước đó. Ảnh: Reuters

Hai cuộc bỏ phiếu - một của nghị viện Catalan chọn độc lập, một của Thượng viện Tây Ban Nha kích hoạt quy định hiến pháp - đã đưa khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha lên đến cao trào.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Catalan, đồng thời cho hay sẽ tiếp quản quản lý địa phương này cho tới ngày 21/12 để tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong khu vực. Tuyên bố trực tiếp trên truyền hình, ông Rajoy nói "đây không phải là sự đình chỉ hoặc can thiệp vào sự tự trị (của Catalan), mà là một sự can thiệp để mọi thứ trở lại bình thường và hợp pháp càng sớm càng tốt".

Tòa án Hiến pháp Tây Ban nha nhanh chóng đưa ra nhận xét rằng việc chính quyền và cơ quan lập pháp Catalan đơn phương tuyên bố độc lập là vi hiến còn Thủ tướng Rajoy thì khẳng định "không chỉ trái luật mà còn là hành động phạm pháp".

Tất cả các quan chức ngoại giao của Catalan ở mọi cấp đều bị sa thải, văn phòng đại diện của Catalan ở Madrid và Brussels cũng bị đóng cửa. Người đứng đầu cảnh sát vùng Catalan cũng bị sa thải vì ông này được cho là quá thân thiện với những lãnh đạo phong trào ly khai.

Tình hình căng thẳng tại Catalan trong những ngày tới có thể sẽ lên cao hơn, khi công tố viên Tây Ban Nha khẳng định họ đang xin lệnh để bắt giữ một loạt lãnh đạo phe ly khai ở Catalan.

Người dân Barcelona đổ ra đường ăn mừng trong khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý độc lập khỏi Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Diễn biến ở Tây Ban Nha khiến nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại khủng hoảng sẽ lan tràn khắp khu vực, đặc biệt khi các sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu và khủng hoảng tài chính Hy Lạp vẫn còn nóng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, việc nghị viện vùng này tuyên bố độc lập không có gì thay đổi và Liên minh châu Âu sẽ chỉ đối thoại và hợp tác với chính phủ trung ương Madrid. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hoàn toàn ủng hộ giải pháp của chính phủ Tây Ban Nha giải quyết khủng hoảng.

Tổng thống Colombia Manuel Santos kêu gọi người dân Tây Ban Nha kiềm chế, trong khi Ngoại trưởng Mexico khẳng định: “Mexico sẽ không công nhận quyết định đơn phương độc lập của Catalan. Chúng tôi hi vọng cuộc xung đột này sẽ được giải quyết thông qua sức mạnh của lý lẽ chứ không phải thông qua sức mạnh của vũ lực”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhanh chóng làm rõ quan điểm của mình: “Catalan là một phần không thể thiếu của Tây Ban Nha, và Mỹ ủng hộ các công cụ hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm giữ nước này vững mạnh và thống nhất”.

Author: Thusy (Tổng hợp)

News day