Hàn Quốc khánh thành tượng xin lỗi Việt Nam tại đảo Jeju
Thusy (Tổng hợp) 04/27/2017 07:30 AM
Ngày 26/4, bức tượng "Pieta Việt Nam" được khánh thành tại nơi từng diễn ra một cuộc thảm sát đẫm máu vào năm 1948 ở Jeju, hòn đảo nay là điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc.

Chiều ngày 26/4, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã chủ trì buổi lễ khánh thành tượng tại Trung tâm Hòa bình St. Francis trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Buổi lễ kéo dài chưa đầy hai giờ nhưng tràn đầy cảm xúc, gửi gắm ước vọng đẹp về hòa bình cho Việt Nam và Hàn Quốc cũng như lên tiếng đòi công bằng cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam. 

Thiền sư Myeong Jin (bìa trái, ủy viên của Quỹ) và hai thiền sư viếng thăm Tượng Pieta Việt Nam. Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Tượng Pieta Việt Nam là tác phẩm khắc họa hình ảnh một phụ nữ ôm đứa con bé bỏng, được làm bằng đồng và đặt cạnh tấm bảng với những dòng thơ cầu nguyện hòa bình của nhà thơ Ko Un và nhà thơ Thanh Thảo. 

Bức tượng mang ý nghĩa bày tỏ niềm thương tiếc và an ủi cho linh hồn những người mẹ và em bé đã chết trong những cuộc thảm sát của binh lính Đại Hàn tham chiến ở Việt Nam.

Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, ông Kang U Il cho biết quỹ dựng lên một không gian tưởng niệm để được sẻ chia cùng "Pieta Việt Nam". Ông phát biểu: "Khi Việt Nam nói 'khép lại quá khứ, hướng tới tương lai', điều đó không có nghĩa là được phép quên đi hay xoá mờ quá khứ. Thực tế đã dạy cho chúng ta rằng sự thật lịch sử không phải là điều có thể lẩn tránh, chối bỏ hay làm ngơ được".

Tuy Chính phủ Việt Nam không gây áp lực nhưng các tổ chức dân sự Hàn Quốc vẫn trực tiếp ra mặt và tổ chức những hoạt động hối lỗi về tội ác chiến tranh trong quá khứ. Cũng trong buổi lễ, Tiến sĩ sử học Ku Su Jeong - thay mặt cho Quỹ, đã đọc bản tuyên bố yêu cầu chính phủ Hàn Quốc có thái độ, có trách nhiệm đối với việc giải quyết vấn đề liên quan tới chiến tranh Việt Nam.

Tượng Pieta Việt Nam (trái) và Tượng thiếu nữ hòa bình (phải) ở trước hội quán Francisco, Jeong-dong, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Pieta theo tiếng Italy có nghĩa là nỗi buồn, niềm tiếc thương, còn tên tiếng Việt của bức tượng là Lời ru cuối cùng. Tượng được hai nhà điêu khắc Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung đồng sáng tác, với thông điệp là lời xin lỗi, sự ăn năn chân thành gửi đến những người dân Việt Nam.

Địa điểm đặt tượng, đảo Jeju, từng là nơi xảy ra cuộc thảm sát kinh hoàng vào ngày 3/4/1948, được coi là một trong bốn cuộc thảm sát lớn nhất thế giới. Chính quyền Hàn Quốc khi đó đã đưa quân đội đến Jeju và gây ra cuộc thảm sát 12.000 người chết, 130 làng bị đốt cháy (số liệu ghi trên tượng). Tuy nhiên, những người Jeju ngày ấy cho biết con số thiệt mạng lên đến 30.000 nạn nhân.

Là tỉnh đảo tự trị duy nhất của Hàn Quốc, Jeju là đảo lớn nhất nước này, nằm ở phía Tây Nam, cách đất liền 120 km. Đảo rộng 73 km, dài 41 km, với dân số hơn 600.000 người và cách Seoul khoảng 50 phút bay.

Trước đó, mô hình thu nhỏ của bức tượng cỡ nhỏ đã được Quỹ Hòa bình Hàn - Việt trao tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng và nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi). Quỹ đang có những hoạt động kêu gọi quyên góp để dựng một bức tượng tương tự ở Việt Nam.

Cụ bà Lee Yong Su - nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản (ủy viên của Quỹ) - mặc niệm trước Tượng Pieta Việt Nam và Tượng thiếu nữ hòa bình. Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Quỹ Hòa bình Hàn - Việt chính thức hoạt động tháng 4/2016 với mục tiêu hướng tới hòa bình, tiếp nối làn sóng phản tỉnh và hối cải của xã hội Hàn Quốc về vấn đề thảm sát thường dân của quân đội Hàn Quốc kể từ sau phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" năm 1999, xoay quanh việc quân đội nước này từng tàn sát người Việt Nam. Quỹ được cấp phép thành lập tổ chức pháp nhân vào tháng 2/2017. 

Author: Thusy (Tổng hợp)

News day