Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Thủ tướng Ấn thăm bang tranh chấp
CTV HIền 02/17/2018 10:30 AM
Ngày 15/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên quay lại bang tranh chấp Arunachal Pradesh kể từ vụ khủng hoảng tại khu vực Doklam từ năm ngoái. Ngay lập tức, Bắc Kinh lên tiếng phản đối vụ việc.

Ông Modi đã đến thăm Arunachal Pradesh, khu vực Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Nam Tây Tạng, kéo theo phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ và nhấn mạnh New Delhi cần tránh để căng thẳng tranh chấp chủ quyền bùng phát.

Lần cuối cùng Thủ tướng Ấn Độ đến nơi này là vào tháng 2/2015. Trên Twitter, ông Modi mô tả "rất vui khi đến Arunachal Pradesh và được hòa mình vào những con người tuyệt vời của bang này".

Trước đó một ngày, một quan chức cấp cao của chính quyền New Delhi nhấn mạnh: “Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ và chuyến thăm của Thủ tướng đến nơi này là một điều bình thường, không có gì đặc biệt. Về những quan ngại liên quan đến tình trạng xâm phạm lãnh thổ tại Arunachal của quân đội Trung Quốc, chúng tôi đã nêu vấn đề này với phía Bắc Kinh thông qua con đường ngoại giao”.

Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã bày tỏ thái độ giận dữ và Bắc Kinh xem chuyến thăm của Thủ tướng Modi là nhằm đơn phương khẳng định chủ quyền ở khu vực này.

Trong tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Sảng cho hay: “Quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp biên giới giữa hai nước là nhất quán và rõ ràng. Chính phủ Trung Quốc không bao giờ công nhận cái gọi là bang Arunachal Pradesh và phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới khu vực tranh chấp này. Chúng tôi sẽ nêu vấn đề này một cách nghiêm túc với những người đại diện bên phía Ấn Độ”.

Trước đó, một sự kiện tương tự khiến Bắc Kinh "giận dữ" khi vào ngày 19/11/2017, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến bang Arunachal Pradesh để tham gia lễ khánh thành tòa nhà nghị viện mới ở bang này. 

Trung Quốc và Ấn Độ những năm qua đã nỗ lực phát triển quan hệ song phương, tuy nhiên vấn đề biên giới vẫn là rào cản khi căng thẳng đã liên tục leo thang giữa hai nước ở khu vực cao nguyên Doklam. Chỉ cách đây ít tháng, hai nước cùng triển khai binh sĩ đến khu vực. Mặc dù binh sĩ đã rút lui, tuy nhiên giới quan sát nhận định hai bên vẫn duy trì cảnh giác cao độ và căng thẳng có thể lại bùng phát bất cứ khi nào. 

Căng thẳng kéo dài 2 tháng, khi hồi tháng 6/2017, các binh sĩ Ấn Độ được điều động ngăn chặn động thái mở rộng con đường ở cao nguyên Doklam hướng sang phía nam, giáp với Ấn Độ của Trung Quốc. Ấn Độ tuyên bố hành động thay cho Bhutan, vốn là quốc gia có “mối quan hệ đặc biệt”. 

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại giới tuyến Ấn - Trung. Ảnh: Reuters

Căng thẳng ở vùng biên giới Ấn Độ và Trung Quốc vẫn âm ỉ kể từ chiến tranh giữa hai nước năm 1962. Bộ Quốc phòng Ấn Độ hồi tháng 12/2017 ra lệnh cho toàn bộ lính biên phòng gỡ bỏ ứng dụng điện thoại do các công ty Trung Quốc phát triển vì lo ngại bị do thám trong khi trước đó, họ còn bị cấm dùng điện thoại do Trung Quốc sản xuất.

Author: CTV HIền

News day