Bangladesh: Vụ tai nạn làm 'tê liệt' thành phố 18 triệu dân
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 08/08/2018 02:30 PM
Các cuộc biểu tình do sinh viên khởi xướng, kêu gọi áp dụng án tử hình cho tài xế lái xe bạt mạng dẫn đến chết người tại Bangladesh, đã bước sang ngày thứ chín và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Trong hơn một tuần, thủ đô Dhaka của Bangladesh tắc nghẽn bởi đám đông biểu tình yêu cầu chính phủ phải hành động để cải thiện an toàn giao thông sau một vụ tai nạn gây chết người.

Ngày 29/8, một chiếc xe buýt chạy quá tốc độ đã đâm chết hai em học sinh tại Dhaka. Đài BBC (Anh) đưa tin tài xế xe buýt được cho là đã mất kiểm soát khi cố gắng chạy đua với chiếc xe buýt khác để bắt khách.

Vụ tai nạn này cũng tương tự như những vụ việc khác xảy ra tại đất nước vốn “nổi tiếng” vì giao thông nguy hiểm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có hơn 4.000 người tại Bangladesh thiệt mạng vì tai nạn giao thông.

Người biểu tình tập trung tại một địa điểm ở thủ đô Dhaka. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, cái chết của hai em nhỏ trong tai nạn ngày 29/8 đã khiến cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Bangladesh bất bình. Từ mạng xã hội kéo theo làn sóng sinh viên biểu tình phản đối.

Kể từ khi biểu tình nổ ra, hàng chục nghìn sinh viên đã tuần hành, chặn các con đường ở nhiều khu vực tại thủ đô Bangladesh, yêu cầu tài xế trình giấy phép lái xe cũng như giấy chứng nhận xe đủ điều kiện lưu thông. Cả 2 loại giấy tờ này đều là bắt buộc nhưng hiếm khi cảnh sát tra hỏi. Một học sinh 17 tuổi tham gia biểu tình nói: “Tất cả chúng tôi chỉ muốn không còn tham nhũng và chấm dứt việc bằng lái xe được cấp dễ dàng như phát kẹo”.

Dòng người biểu tình đông nghịt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã bước sang ngày thứ chín. Ảnh: Reuters

Đây là sự việc hiếm khi xảy ra tại Bangladesh, kéo dài trong nhiều ngày và do học sinh, sinh viên là nòng cốt. Kể từ ngày 29/7, đám đông biểu tình đã đốt 8 chiếc xe buýt. Cảnh sát khẳng định họ buộc phải dùng hơi cay và đạn cao su để trấn áp vì sự quá khích của những người biểu tình.

Ít nhất 140 người bị thương kể từ hôm 4/8 nhưng đến ngày 6/8, bạo lực vẫn tiếp diễn. Tờ The Daily Star trích nguồn một bác sĩ địa phương cho biết hơn 40 người, phần lớn là sinh viên, đã phải điều trị thương tích.

Một số phóng viên đưa tin về sự việc cũng bị tấn công, trong đó có phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Mỹ). Tổng cộng 6 nhà báo bị thương. Xe chở đại sứ Mỹ tại Bangladesh, bà Marcia Bernicat, bị tấn công bởi những người có vũ trang, nhưng đã rời đi an toàn, theo đại sứ quán.

Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình. Ảnh: Al Jazeera

Chính phủ Bangladesh đã thể hiện thay đổi khi cam kết xem xét tiến hành cải cách an toàn đường bộ. Vào ngày 6/8, nội các chính phủ Bangladesh đã nhất trí ủng hộ Đạo luật Giao thông Đường bộ vốn được đệ trình từ lâu. Bộ trưởng Tư pháp Anisul Huq cho hay luật mới sẽ cho phép áp dụng án tử hình "nếu điều tra cho thấy hành vi gây ra cái chết trong một vụ tai nạn giao thông là cố ý".

Tuy nhiên, các quan chức Bangladesh vẫn thể hiện rõ rằng họ muốn biểu tình chấm dứt ngay lập tức. Chính phủ Bangladesh còn chặn dịch vụ internet 3G và 4G trong tối 4/8 để ngăn người biểu tình tổ chức và chia sẻ kế hoạch lên mạng xã hội.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day