Nhật Bản: Nữ phóng viên chết vì làm việc quá sức
Sam Sam 10/07/2017 01:30 PM
Theo xác nhận của đài truyền hình quốc gia NHK, Miwa Sado, một nữ phóng viên 31 tuổi của đài này đã thiệt mạng do đau tim vào năm 2013 sau khi làm thêm tới 159 giờ đồng hồ trong 1 tháng.

Nữ phóng viên trẻ Miwa Sado của đài NHK đã trải qua mùa hè 2013 vô cùng bận rộn trong hai cuộc bầu cử lớn: Hội đồng thành phố Tokyo và Thượng viện Nhật Bản diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7/2013. Công việc yêu cầu cô phải làm việc cho đến nửa đêm gần như mỗi tối và chỉ nghỉ 2 ngày trong suốt cả tháng. Ở thời điểm qua đời, Sado ở trong tình trạng mệt mỏi liên tục và mất ngủ mãn tính.

Nữ phóng viên Miwa Sado. Ảnh: ANN News

NHK đã quyết định không tiết lộ nguyên nhân về cái chết của nữ phóng viên cho các nhân viên khác cho đến khi bố mẹ cô yêu cầu, tờ Asahi Shimbun dẫn thông cáo của văn phòng lao động quận Shibuya, Tokyo cho hay.

NHK cho biết họ đang tiến hành các bước để ngăn chặn nhân viên làm việc nhiều giờ. “Chúng tôi quyết định rằng cần tiết lộ thông tin này để nhấn mạnh quyết tâm của chúng tôi trong việc thúc đẩy chương trình cải cách môi trường và cách làm việc, để không xảy ra trường hợp tương tự như cái chết của Sado".

Vào năm 2015, Cơ quan thanh tra lao động cũng xác định nguyên nhân vụ tự sát của Matsuri Takahashi, một nhân viên 24 tuổi tại công ty quảng cáo Nhật Bản Dentsu là do làm việc quá sức và căng thẳng kéo dài.

Matsuri Takahashi đã làm việc hơn 100 giờ trong những tháng trước khi cô tự tử. Vụ việc đã gây ra một cuộc tranh luận toàn quốc về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc.

Văn hóa công sở Nhật Bản đòi hỏi nhân viên phải làm thêm giờ để thể hiện sự cống hiến. Ảnh: Getty

Chết do làm việc quá sức, còn được gọi là "karoshi" đã trở thành một vấn nạn trong nền kinh tế Nhật Bản những năm gần đây. Chính phủ Nhật Bản ước tính, có tới hơn 20% người lao động của nước này có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức và đang phải đau đầu với việc tìm ra giải pháp cho vấn nạn này.

Văn hóa công sở Nhật Bản thường buộc nhân viên làm việc thêm giờ để thể hiện sự cống hiến, dù rằng ít bằng chứng cho thấy làm thêm giờ gia tăng hiệu suất công việc. Theo chính phủ Nhật, trong vòng một năm tính tới tháng 3/2016, hơn 2.000 người nước này đã tự sát vì căng thẳng, trong khi hàng chục người khác chết vì đau tim, đột quỵ và nhiều bệnh khác. Karoshi được ghi nhận nhiều nhất ở những lao động dưới 35 tuổi.

Chính phủ Nhật Bản phải đề xuất hạn chế số giờ làm thêm hàng tháng ở mức 100 giờ và có những hình phạt cho các công ty cho phép nhân viên của họ lao động thêm quá nhiều, tuy nhiên các nhà phê bình nhận định những biện pháp này sẽ không thể cải thiện được đáng kể tình hình.

Tác giả: Sam Sam

Tin mới trong ngày