Tại sao thị trường Mỹ lại hấp dẫn doanh nghiệp Trung Quốc đến vậy?
Nguyễn Chiến (Tổng hợp) 06/03/2017 04:30 PM
Chi phí sản xuất trong nước gia tăng là lý do khiến nhiều công ty Trung Quốc tính chuyển sản xuất ra nước ngoài. Mỹ là một điểm đến đang được không ít công ty Trung Quốc cân nhắc, theo CNBC.

Đối với nền kinh tế Mỹ, ngay từ khi tranh cử đến khi lên làm Tổng thống, chính sách của ông Donald Trump mang tính dân tộc chủ nghĩa và ông muốn các hoạt động đầu tư vào Mỹ phải được đẩy mạnh. Trước hết, các nhà đầu tư Mỹ không mang tài sản cũng như tiền vốn đi đầu tư ở nước khác. Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài mang tài sản và tiền của đầu tư vào Mỹ, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập và sức mạnh cho nền kinh tế Mỹ.

Mặt khác, khi doanh nghiệp nước ngoài muốn mang hàng hóa vào Mỹ phải chịu hàng rào thuế quan và các biện pháp khác. Chính vì thế, cách tốt nhất là sản xuất ngay tại đất Mỹ.

Đồng USD trong mấy năm tới có thể lên giá nếu nền kinh tế Mỹ ổn định và tạo ra thế lực mới trong quá trình tăng trưởng. Các nhà đầu tư sẽ được lợi đơn lợi kép từ sự tăng giá của đồng USD.

Bên cạnh lực hút từ kinh tế Mỹ, PGS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra những lực đẩy từ nền kinh tế Trung Quốc. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu đã buộc nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường phải đóng cửa hoặc di chuyển sang các quốc gia khác.

PGS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra những lực đẩy từ nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: baodatviet.vn

Sự chuyển hướng của kinh tế Trung Quốc khiến lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này trở nên lãng phí nếu cứ nằm một chỗ mà không sinh lời. Do đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài bằng cách cho vay với lãi suất thấp, vay ODA, vay lãi suất cao và đầu tư trực tiếp từ mua bán cổ phiếu đến đầu tư trực tiếp bằng cách xây dựng mới các nhà máy hoặc mua các nhà máy ở quốc gia khác. Trung Quốc đầu tư ở khắp mọi nơi, từ các nước đang và chậm phát triển để thu hút tài nguyên tới các quốc gia phát triển, có công nghệ cao.

Ông chỉ rõ, dù đầu tư ở Trung Quốc cũng tương tự như đầu tư ở nước khác nhưng sự ổn định và khả năng an toàn của đồng vốn không tương xứng với các nước phát triển.

"Nhà đầu tư tư nhân thấy rằng nếu tiếp tục đầu tư trong nước thì họ sẽ tốn nhiều chi phí hơn, lại vẫn bị đòi hỏi công nghệ cao, đảm bảo môi trường như ở quốc gia phát triển, vậy tại sao họ không đầu tư sang nơi khác?

Chưa kể các nhà tư bản Trung Quốc đã nhìn xa thấy những xáo trộn trong xã hội Trung Quốc khi nền kinh tế chuyển mình sang một giai đoạn mới, đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường. Do đó, đầu tư sang quốc gia khác lâu dài, họ sẽ có được quyền công dân cũng như ưu đãi của các nước tiếp nhận vốn, họ có quyền có được thẻ công dân của các quốc gia đó. Đây là một bài toán nhằm bảo toàn tài sản của chủ doanh nghiệp và an toàn về chính trị cho họ nếu kinh tế, xã hội Trung Quốc có biến động.

"Dĩ nhiên, nước Mỹ luôn chào đón những người giàu, có tài sản lớn, thu nhập ổn định để thu hút sức mạnh công nghệ và tài chính cho quốc gia. Còn nếu Trung Quốc toan tính đưa lao động phổ thông, công nghệ thấp như đã làm ở các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển thì sẽ không làm được điều này ở Mỹ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Dù vậy, vị chuyên gia về tài chính quốc tế cũng lưu ý, người Mỹ đã có bài học đắt giá khi mở cửa thị trường cho doanh nhân Nhật Bản sang Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Theo đó, họ nghĩ người Nhật có thể học mót, học lỏm kỹ thuật của Mỹ mà thôi, khả năng cạnh tranh không cao, nhưng người Mỹ đã đã nhầm.

"Các doanh nghiệp Mỹ chắc chắn không mong doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Mỹ nhưng họ không cản lại được quá trình đó, vì đây là luật của nước Mỹ. Việc cạnh tranh sẽ là động lực buộc doanh nghiệp Mỹ phải tái cơ cấu, tổ chức quản lý sản xuất lại, áp dụng KHCN cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Các nhà quản lý ở Mỹ nhìn thấy đây là động lực thúc đẩy đất nước phát triển", ông Thịnh nhận xét.

Bên cạnh đó là các công ty này chọn Mỹ là do họ tin vào khả năng tổng thống Donald Trump sẽ hạ thuế doanh nghiệp, điều này sẽ hấp dẫn các nhà sản xuất hàng hóa Trung Quốc.

Phó chủ tịch Quỹ Trao đổi và Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương, ông Xiao Wunan nhận định, "Lý do chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ không phải đơn thuần là vì tổng thống Trump khuyến khích điều này mà còn vì chúng tôi nhận thấy Mỹ có những ưu thế tự nhiên thu hút đầu tư Trung Quốc".

Ông Xiao Wunan - Phó chủ tịch Quỹ Trao đổi và Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: ouliannews.com

Lợi thế đầu tiên phải kể đến là lợi thế về chi phí

Ông John Ling, Chủ tịch Hội đồng các tiểu bang Mỹ tại Trung Quốc, chuyên giúp các công ty Trung Quốc tìm địa điểm đầu tư tại Mỹ. “Trong mỗi dự án mà công ty Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ, nếu tôi không chứng minh được rằng họ có thể giảm chi phí, thì cơ hội đạt thỏa thuận gần như bằng 0. Chi phí là nhân tố quyết định”, ông Ling nói.

Lương của người lao động Mỹ cao hơn so với ở Trung Quốc, nhưng tổng chi phí sản xuất ở Mỹ vẫn có thể thấp hơn.

Điển hình như công nhân Trung Quốc làm việc tại tập đoàn may mặc Hàng Châu, Keer Group được hưởng mức lương chỉ bằng một nửa so với công nhân Mỹ, chủ tịch tập đoàn ông Zhu Shanqing cho biết. Tuy nhiên, tổng chi phí sản xuất ở Mỹ vẫn thấp hơn so với ở Trung Quốc.

Ông Zhu cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào lời hứa của Tổng thống Trump về giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ xuống 15% từ mức 35% hiện nay. Theo ông, khi đó, Mỹ sẽ trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.

“Cho dù ông Trump cắt giảm thuế 5 phần trăm thôi, thì các công ty rời Mỹ vài năm trước cũng sẽ quay lại”, ông Zhu nói.
Ngoài ra, những nhân tố khác khiến Mỹ trở nên hấp dẫn đối với các công ty sản xuất Trung Quốc là môi trường kinh doanh ổn định và sự tiếp cận tại chỗ với người tiêu dùng Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay.

Một trở ngại mà các công ty Trung Quốc gặp phải khi cân nhắc đầu tư vào Mỹ là tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. “Chúng tôi gặp sức ép ở Mỹ vì không tìm được công nhân lành nghề. Hầu hết mọi người ở Mỹ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, ông Zhu cho biết.

Để đào tạo công nhân Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc muốn đưa nhà quản lý và lao động lành nghề từ trong nước sang, nhưng lại gặp trở ngại về visa. “Các kỹ thuật viên của chúng tôi không thể xin được visa sang Mỹ. Chúng tôi cần họ ở Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ bị từ chối”, ông Zhu nói.

Ngoài ra, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng cũng là một khó khăn đối với các công ty Trung Quốc muốn chuyển sản xuất đến Mỹ. Theo các doanh nhân Trung Quốc, để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ phải làm việc mà Trung Quốc đã làm cách đây mấy thập niên: mở các khu kinh tế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn và các ưu đãi tài chính.

Ngoài ra qua tổng hợp thì mức đầu tư của Trung quốc ngày một tăng, thể hiện số liệu sau:

trong năm 2016 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mức kỷ lục 46 tỷ USD tại Mỹ, gấp ba lần con số ghi nhận năm 2015 và tăng gấp 10 lần so với chỉ 5 năm trước, Xinhuanet dẫn nguồn báo cáo công bố hôm thứ Tư của Rhodium Group và Ủy ban quốc gia về quan hệ Trung - Mỹ.

Bước tiến lớn về đầu tư Trung Quốc năm ngoái là nhờ lượng lớn các thương vụ mua lại lớn, trong khi các dự án đầu tư mới hoàn toàn vẫn khá nhỏ.

Sự gia tăng đầu tư từ phía Trung Quốc đánh dấu chuyển biến trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong hàng thập kỷ qua, các doanh nghiệp đa quốc gia đóng trụ sở ở Mỹ đã xây dựng nhà máy và đầu tư mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhưng đầu tư trực tiếp theo chiều ngược lại thì không có nhiều, mặc dù Bắc Kinh đã neo hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng vọt trong năm 2016.
Ảnh: baomoi.com

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng vọt trong năm 2016, bất chấp những quan ngại chính trị từ phía Quốc hội Mỹ và chiến dịch tranh cử tổng thống ồn ào, trong đó ông Trump là người chiến thắng cuối cùng. Ông Trump đã đe dọa phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đổ lỗi cho Bắc Kinh vì lấy mất công ăn việc làm trong ngành công nghiệp của người Mỹ.

Hơn nữa Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD, có thể là cơ hội để các khoản đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng Mỹ.

Trong 50 bang của Mỹ, 46 bang đã nhận đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc dưới dạng đầu tư dự án mới hay mua lại các doanh nghiệp có trụ sở tại các bang này, tính tới cuối năm 2016.

Các doanh nghiệp tư nhân trở thành nguồn lực chính cho tăng trưởng đầu tư khi số liệu cho thấy 79% tổng đầu tư Trung Quốc tại Mỹ do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.

Mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung hiện mang tới khoảng 2,6 triệu việc làm tại Mỹ trong các ngành, trong đó khoảng 104.000 việc làm do các khoản đầu tư Trung Quốc.

 

Author: Nguyễn Chiến (Tổng hợp)

News day