Dịch vụ ví điện tử đang nở rộ ở Đông Nam Á
Thanh Tùng (Tổng hợp) 09/08/2017 10:30 AM
Theo hãng tin Bloomberg hiện tại ở Đông Nam Á, dịch vụ ngân hàng qua di động đang hình thành xu hướng hoàn toàn mới với việc loạt ứng dụng gọi xe như Grab, Go-Jek... đua nhau tung ra dịch vụ ví điện tử.

Các ứng dụng gọi xe Grab của Singapore tung ra dịch vụ mới cho phép người dùng chuyển số tiền lưu trữ trên ứng dụng của mình (Grabpay Credits) để thanh toán tiền cước cho người khác. Cuối năm 2017, người dùng Grab có thể dùng tiền lưu trữ này để thanh toán tại hơn 1.000 nhà hàng và cửa hàng bán lẻ.

Theo Bloomberg, nếu mọi thứ suôn sẻ, trong tương lai Grab có thể phát triển thành một nền tảng thanh toán điện tử, chứ không chỉ là một dịch vụ gọi xe nữa.

Ứng dụng gọi xe lấn sân sang lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á.
Ảnh: news.zing.vn

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống. Phần lớn số này tập trung ở các nước đang phát triển với nền kinh tế tiền mặt là chủ yếu, nơi các ngân hàng còn hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ như cho vay, tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng. Khi thu nhập tại các nước này tăng lên, công nghệ là nhân tố giúp giới doanh nhân có thêm nhiều cách thức kinh doanh mới. Hơn nữa điện thoại di động đã cho phép một hệ thống tài chính song song có cơ hội để phát triển, với một số kết quả hấp dẫn.

Xu hướng này bắt đầu ở Kenya. Năm 2007, hãng viễn thông Safaricom giới thiệu M-Pesa, một dịch vụ cho phép người dùng chuyển tiền qua tin nhắn SMS. Trong một thời gian ngắn, M-Pesa đã phát triển thành hệ thống thanh toán và ngân hàng đầy đủ tính năng chạy trên điện thoại. Năm 2016, M-Pesa đã xử lý 6 tỷ giao dịch cho 30 triệu khách hàng ở 10 quốc gia. Châu Phi hiện có nhiều tài khoản "tiền di động" hơn tài khoản ngân hàng truyền thống.

Ngày càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ "ví điện tử".
Ảnh: doanhnhansaigon.com.vn

Tại châu Á, xu hướng này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các hãng thương mại điện tử và dịch vụ truyền thông xã hội hàng đầu như Alibaba và WeChat tung ra các nền tảng thanh toán điện tử, phổ biến đến mức ở một số lĩnh vực thậm chí không dùng tiền mặt. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có xu hướng phát triển đặc biệt nhất. Với 640 triệu dân với xu hướng dùng Internet và di động thông minh mạnh mẽ, Đông Nam Á là khu vực đầy màu mỡ đối với các startup tài chính.

Trong 3 năm qua, các dịch vụ tài chính bắt đầu nở rộ từ ngành công nghiệp gọi xe mới nổi. Đây là mô hình kinh doanh ít thấy tại những nơi mà thẻ tín dụng và thẻ thanh toán phổ biến như Mỹ.

Nhưng ở các nước như Indonesia, nơi chỉ có 36% người có tài khoản ngân hàng, và dưới 5% có thẻ tín dụng, đây là cách thức tốt để thu hút người dùng, giúp họ thanh toán tiện lợi. 

Hơn 200.000 lái xe làm việc cho Go-Jek, dịch vụ chia sẻ xe hàng đầu của Indonesia, có thể sử dụng ví điện tử của họ để lưu trữ thu nhập hoặc chi tiêu cho các dịch vụ khác. Khách hàng của Go-Jek cũng có thể sử dụng ví để thanh toán mọi thứ từ mua thực phẩm cho đến dịch vụ massage hay dọn dẹp nhà cửa.

Các ứng dụng gọi xe Grab của Singapore tung ra dịch vụ mới cho phép người dùng chuyển số tiền lưu trữ trên ứng dụng của mình (Grabpay Credits). Ảnh: forums.vrzone.com

Tại Singapore, Grab cũng cung cấp dịch vụ tương tự, mở rộng việc ứng dụng ví điện tử của mình vào các dịch vụ tại quán café, tiệm hàng rong hay chợ thực phẩm tươi. Bằng cách cho phép những người bán hàng nhận tiền mà không phải đi thuê thiết bị đầu cuối và tạo cho khách hàng sự tiện lợi trong việc thanh toán với một ứng dụng họ đã quen dùng, đây có thể có một lợi thế đáng kể. Khả năng thu thập số lượng lớn dữ liệu từ người dùng - kết hợp địa điểm và thói quen đi lại với lịch sử mua hàng - có thể thay đổi cuộc chơi thương mại điện tử. Không có gì ngạc nhiên khi Grab cũng muốn lấn sân sang lĩnh vực bảo hiểm và cho vay.

Theo Bloomberg, việc các công ty này muốn lấn sân sang lĩnh vực bảo hiểm và cho vay tín dụng là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Các công ty gọi xe đang bắt đầu cuộc chiến với giới ngân hàng và trên hết khách hàng là người hưởng lợi lớn, đặc biệt là đối với những người ít hoặc không tham gia thị trường tài chính truyền thống.

Cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí gia nhập “nền kinh tế điện tử”, giúp đa số tác vụ như thanh toán hóa đơn trở nên dễ dàng hơn, buộc các ngân hàng phải tập trung vào đối tượng khách hàng thu nhập thấp và gây áp lực buộc các hãng thẻ tín dụng phải giảm phí và lãi trả chậm.

Author: Thanh Tùng (Tổng hợp)

News day