4 món đặc sản "độc lạ" ở Sơn La
Ngọc Mai (Theo Dân trí) 08/09/2017 10:00 AM
Sơn La có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên có nền ẩm thực phong phú, mang hương vị không trộn lẫn với vùng đất khác. Những món ăn từ cây rừng, từ ao vườn, ruộng đồng, được chế biến bởi bàn tay khéo léo của người dân bản địa đã trở thành những món đặc sản khó quên.

1. Pa pỉnh tộp (cá nướng gập)

Được chuẩn bị cẩn thận, cầu kỳ từ nguyên liệu đến thanh tre nướng, pa pỉnh tộp chứa đựng biết bao tình cảm, sự khéo léo của người Thái. 

Ảnh: dantri.com.vn

Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cần đến rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… Nhưng món ăn này nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Ăn pa pỉnh tộp đúng vị phải kèm chút xôi nếp chấm với chẩm chéo, thêm chút rượu ngô cay cay, tê tê. Món ăn này sẽ khiến những thực khách khó tính nhất “phải lòng” ngay từ miếng đầu tiên.

2. Nậm pịa

Nếu như người Mông có món đặc sản thắng cố thì người Thái có món nậm pịa nổi tiếng. Món này yêu cầu nguyên liệu rất cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo trong khâu chế biến.

Ảnh: dantri.com.vn

Nguyên liệu làm món nậm pịa gồm tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò gọi là “pịa”. 

Nậm pịa thường có màu nâu không bắt mắt, mùi khó chịu và vị đắng. Không phải du khách nào cũng dám thử món ăn độc đáo này. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị thì những miếng tiếp theo ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa thường ăn kèm với rau chuối và bạc hà.

3. Ốc Suối Bàng

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp.

Ảnh: dantri.com.vn

Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.

4. Nộm da trâu

Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống. Tuy nhiên, ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo.

Ảnh: dantri.com.vn

Cũng như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu cần thêm nhiều gia vị và chút hạt mắc khén đặc trưng. Đặc biệt, sức quyến rũ của nộm da trâu nằm ở chính vị chua chua, thanh thanh của nước măng chứ không phải của chanh hay giấm.

Author: Ngọc Mai (Theo Dân trí)

News day