Giá dầu lao dốc khi OPEC và Nga cân nhắc tăng sản lượng
CTV Nguyễn Chiến (Tổng hợp) 05/30/2018 10:30 AM
Giá dầu sụt mạnh hôm 25/5 xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần sau khi Ả Rập Saudi và Nga cho biết đang cân nhắc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ả Rập Saudi Khalid al-Falih về việc nới lỏng các điều khoản của thỏa thuận hạn chế sản lượng được thực hiện trong 17 tháng qua, trước thềm cuộc họp OPEC tại Vienna (Áo) trong tháng 6. Theo đó, các bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cân nhắc tăng sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Trước thềm OPEC các bộ trưởng năng lượng Ả Rập Saudi, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cân nhắc tăng sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Ảnh: kinhtedothi.vn

Giá dầu Brent tương lai giao tháng 6 giảm 2,17 USD, tương đương 2,8%, xuống 76,62 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã giảm khoảng 2,4%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 4.

Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 7 kết phiên giảm 2,83 USD, tương đương 4%, xuống 67,88 USD/thùng tại sàn Nymex. Đây là mức thấp nhất kể từ 1/5, theo số liệu của FactSet. Tính cả tuần, giá dầu này giảm khoảng 4,9%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong khoảng 1 tháng.

Tại thị trường London giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 2,35 USD, tương đương 3%, xuống 76,44 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 8/5. Tính cả tuần, giá dầu này sụt 2,6%.

Diễn biến của giá dầu hôm thứ Sáu cho thấy cuộc họp của OPEC vào tháng sau sẽ giành được sự quan tâm lớn, và quan điểm của các bên sẽ va chạm mạnh, theo Tom Kloza, Giám đốc phân tích mảng năng lượng toàn cầu tại Oil Price Information Service.

Mặc dù giá dầu giảm mạnh hôm 25/5 nhưng các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Société Générale vẫn nâng dự báo giá dầu thêm 6,75 USD đến 7,75 USD vào năm sau. Ảnh: vneconomy.vn

Trong khi Nga và OPEC được hưởng lợi từ giá dầu đi lên, tăng gần 20% kể từ cuối năm 2017, thì thỏa thuận cắt giảm sản lượng do họ dẫn dắt đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất khác để gia tăng sản lượng và giành thị phần.

"Việc cân nhắc nới lỏng thỏa thuận giảm sản lượng nhiều khả năng sẽ hạn chế đà tăng mới của giá dầu và thị trường dầu sẽ rất khó để vượt ngưỡng 80 USD/thùng vì nguồn cung dầu toàn cầu sẽ ổn định", các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.

Dự trữ dầu thô trên toàn thế giới đã giảm trong năm 2017 do OPEC giảm sản lượng, chủ yếu do nguồn cung giảm mạnh ở Venezuela. Khả năng Mỹ tái trừng phạt Iran sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng thúc đẩy giá dầu trong những tuần gần đây, bất chấp sản lượng dầu thô từ Mỹ gia tăng, lên 10,3 triệu thùng/ngày hồi tháng 2.

Trong khi đó, Baker Hughes hôm 25/5 cho biết số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tăng thêm 15 chiếc lên tổng số 859 chiếc trong tuần này. Đây là tuần có số giàn khoan tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc 9/2.

Dù giá dầu giảm mạnh hôm 25/5, các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Société Générale vẫn nâng dự báo giá dầu thêm 6,75 USD đến 7,75 USD vào năm sau.

 

Author: CTV Nguyễn Chiến (Tổng hợp)

News day