Warren Buffett nhận định gì về nền kinh tế Mỹ hiện nay?
Vũ Hạo 01/07/2018 04:30 PM
Warren Buffett hiểu rõ quyền lực của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Là người giàu có thứ 3 trên thế giới với tổng tài sản ròng hơn 85 tỷ USD, vị tiên tri xứ sở Ohama đã hưởng lợi rất nhiều từ nó.

Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Time công bố hôm thứ Năm, ông Buffett cho hay hiện đang tồn tại một vấn đề với hệ thống kinh tế: Nhiều cá nhân đang chịu cảnh nghèo đói, trong khi những người ở top đầu lại ngày một giàu có hơn.

Ông đề cập đến Forbes 400 – một danh sách bao gồm những người giàu có nhất ở Mỹ. “Giữa danh sách đầu tiên trong năm 1982 và hiện nay, tổng tài sản của 400 người giàu có nhất đã tăng gấp 29 lần – từ 93 tỷ USD lên 2.7 ngàn tỷ USD – trong khi hàng triệu người dân làm việc vất vã vẫn còn mắc kẹt trong một guồng máy kinh tế. Trong suốt giai đoạn này, cơn sóng của sự giàu có không hề chạm tới những người nghèo khổ. Nó có xu hướng đi lên và tạo lợi ích cho những người giàu có”.

Kinh tế Mỹ đã có những khởi sắc, tiến bộ vượt bậc.
Ảnh: baoquocte.vn

Nền kinh tế tư bản của Mỹ đòi hỏi những người chiến thắng không được bỏ qua những lỗi lầm của hệ thống kinh tế, ông Buffett cho hay.

Nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều người bị tụt lại phía sau trong vô vọng, đặc biệt là khi thị trường ngày càng trở nên tập trung nhiều hơn vào một nhóm, ông Buffett cho biết.

Ngoài ra, nhà đầu tư huyền thoại này cũng lưu ý rằng những người lao động, vốn bị thay thế bởi những tiến bộ về công nghệ, sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trong dài hạn, những tiến bộ công nghệ sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng gây ra tình trạng thất nghiệp và sự lo lắng cho những người đánh mất công việc vì sự tự động hóa và những người vẫn còn đang thất nghiệp. Để lý giải cho điều này, ông Buffett đề cập đến năm 1776 khi nước Mỹ tuyên bố độc lập và cuộc cách mạng về công nghệ canh tác ruộng đất.

“Còn nhớ vào những ngày ấy, nền kinh tế đòi hỏi khoảng 80% lực lượng lao động hiện nay làm việc trong các trang trại và đồn điền với mục đích đơn giản là để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và vải sợi. Vậy tại sao hiện nay chỉ có 2% người lao động làm công việc này? Đó là nhờ công những người sáng tạo ra máy kéo, máy trồng cây, máy tỉa hột bông, máy gặt đập liên hợp, máy tưới tiêu và hàng loạt thiết bị cải thiện năng xuất lao động khác”, ông Buffett cho biết. “Ngày nay, chúng ta biết rằng sự gia tăng năng suất lao động đáng kinh ngạc trong lĩnh vực nông nghiệp là một điều tốt đẹp. Chúng giải phóng gần 80% lực lượng lao động của quốc gia, và hướng họ sang các ngành công nghiệp mới đã góp phần thay đổi cách sống của chúng ta”.

Bất chấp những lời cảnh báo trên, ông Buffett vẫn tỏ ra lạc quan.

Tỷ phú Warren Buffett.
Ảnh: vietstock.vn

Ông cho hay: “Trong năm 1776, Mỹ bắt đầu giải phóng tiềm năng con người bằng cách kết hợp các yếu tố kinh tế thị trường, pháp quyền và sự bình đẳng về cơ hội. Đây quả là một động thái của một thiên tài thực sự, nhờ đó mà chỉ trong 241 năm, các ngôi làng và đồng cỏ ban đầu của chúng ta đã chuyển hóa thành thành lượng tài sản 96 ngàn tỷ USD. Trong những năm tăng trưởng ở phía trước, tôi chẳng hề hoài nghi rằng Mỹ có thể phân phối sự giàu có tới nhiều cá nhân và một cuộc sống tươm tất đến tất cả mọi người. Chúng ta không được chấp nhận số phận thiệt thòi hơn”.

Đây không phải là lần đầu tiên Warren Buffett nói như vậy. Hồi tháng 6/2017, ông nói với PBS Newshour rằng vấn đề với nền kinh tế Mỹ là những tỷ phú như bản thân ông. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng các biện pháp bảo vệ những người chịu tổn thất nhiều nhất, và tái đào tạo cho những người lao động bị thay thế bởi các công nghệ mới.

Và lời nói của vị tỷ phú đáng kính này không phải chỉ là lời nói suông. Cùng với người bạn thân Bill Gates, ông Buffett đã sáng lập nên Quỹ Cam kết Cho đi (The Giving Pledge) – theo đó những người tham gia vào quỹ sẽ cam kết cho đi ít nhất là 50% lượng tài sản của họ.

Theo: Vũ Hạo/Vietstock

Tác giả: Vũ Hạo

Tin mới trong ngày