TP. Hồ Chí Minh: Mở phiên tòa xét xử vụ logo "xe vua"
Dinda (Tổng hợp) 08/14/2018 06:00 AM
Số tiền bán logo xe "vua" được xác định hơn 30 tỷ đồng. Người liên quan khai số tiền này phần lớn là đưa hối lộ cho CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT), nhờ "bảo kê" xe quá tải.

Sáng 14/8, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi, nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Thới (42 tuổi), Trần Quốc Thái (47 tuổi), Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) cùng 6 đồng phạm ra xét xử về tội “Đưa hối lộ” và "Môi giới hối lộ".

Riêng cựu cảnh sát Nguyễn Cảnh Chân đã bị chuyển khung hình phạt từ khoản 2 Điều 364 tội “Môi giới hối lộ” sang khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt lên tới 15 năm tù.

Tuy nhiên, do luật sư bào chữa cho 7 bị cáo vắng mặt nên HĐXX quyết định hoãn xử. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Xe "vua" nhởn nhơ trên đường nhưng không bị xử lý. Ảnh: nld.com.vn

Trước khi mở phiên toà, TAND TP.HCM đã thay đổi điều khoản xét xử Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân - tăng nặng hơn so với cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố.

Trong đó, Chân bị xét xử ở khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt 8 - 15 năm tù, thay vì khoản 2 có mức án từ 2 đến 7 năm tù. Thới và Thái bị xem xét ở khoản 4, Vân ở khoản 3 Điều 364 với khung hình phạt 7 - 20 năm tù thay vì 2 - 7 năm tù.

Vụ án từng được đưa ra xét xử lần đầu hôm 19/4, song HĐXX trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những người nhận hối lộ. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng, Thới, Vân và đồng phạm có hành vi đưa hối lộ nhưng khi đối chất 62 CSGT và 18 cán bộ TTGT phủ nhận nhận lót tay, nên cơ quan điều tra không có cơ sở xử lý. 

Bị cáo Nguyễn Văn Thới. Ảnh: nld.com.vn

Theo như thông tin trước đó, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thới, Vân và các đồng phạm đã cấu kết với các lái xe, chủ xe thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM góp tiền đưa hối lộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) để không phạt xe quá tải. Thới và Vân đã bán logo cho các lái xe, chủ xe dán trên đầu xe làm ký hiệu để những người nhận hối lộ nhận biết, không xử phạt. Đường dây của Thới đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỷ đồng. Họ dùng một phần đưa hối lộ cho CSGT, nộp phạt cho các chủ xe đã mua logo mà vẫn bị phạt, còn lại bỏ túi và chi tiêu cá nhân.

Cơ quan điều tra cáo buộc Thái đưa hối lộ hơn 2,2 tỷ đồng, bỏ túi riêng 360 triệu; Thới lót tay cho cảnh sát 5 tỷ, hưởng lợi gần 17,5 tỷ đồng.

Tương tự, Lê Thị Cẩm Vân đã bán logo cho các chủ xe, thu tổng cộng 7,9 tỷ đồng. Hàng tháng, Vân chi cho cán bộ Đội 7, Đội 8 TTGT TP.HCM 300.000 đồng mỗi xe.

Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Nguyễn Cảnh Chân và các đồng phạm. Ảnh: soha.vn
Vân (đứng) tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4. Ảnh: vnexpress.net

Trong số 10 bị can bị truy tố, có 9 người bị truy tố về tội "Đưa hối lộ", chỉ duy nhất cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân bị truy tố về tội "Làm môi giới hối lộ". Về số người mà các bị can khai có hành vi nhận hối lộ không bị xử lý hình sự, theo cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao thì không có chứng cứ vững chắc nên không thể truy tố tội "Nhận hối lộ" theo điều 354 BLHS. Mặc dù quá trình điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND TP HCM, các bị can được nhận dạng, đối chất tiếp tục xác định có đưa hối lộ cho một số cán bộ CSGT, TTGT.

Các bị cáo khai đã chi tiền cho một số cán bộ của 7 đội TTGT thuộc Sở GTVT TP.HCM. Mỗi đội sẽ nhận tiền bảo kê hàng tháng hoặc nhận của từng xe vi phạm. Đối với TTGT Bình Dương và Đồng Nai, Thới khai tên 2 cán bộ nhận tiền hàng trăm triệu đồng/tháng.

Đối với đường dây của Vân, Vân khai đưa hối lộ cho 3 đội TTGT TP.HCM  và 2 đội CSGT trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra và làm rõ.

Author: Dinda (Tổng hợp)

News day