Thủ Thiêm: Dân oan và im lặng của truyền thông
Tuệ Trúc 05/14/2018 08:00 AM
Trên thực tế, về ngắn hạn người dân có thể chấp nhận những ngôn từ mỹ miều như “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", nhưng về dài khi họ nhận ra thu hồi đất vì lợi ích của một nhóm nào đó nhân danh vì quốc gia thì nó không còn là vấn đề nhỏ nữa. Mà là vấn đề lớn của quốc gia.

Thủ Thiêm 22 năm quy hoạch

Thủ Thiêm ngày hôm nay thay da đổi thịt từ những công trình hiện đại, nhà cao tầng của các nhà đầu tư rót vốn vào, nhưng Thủ Thiêm ngày hôm nay cũng đầy những da thịt cũ, đầy những mảng tối, bên cạnh mảng sáng của phố thị đang mọc lên.

Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.vn

Nằm trên bờ đông sông Sài Gòn, đối diện trung tâm quận 1, bán đảo Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế và khu vực. Kỳ vọng này càng nhanh trở thành hiện thực khi dự án quy hoạch Thủ Thiêm được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt bằng Quyết định 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996.

Về nội dung, quyết định 367 quy hoạch Thủ Thiêm rộng 770 ha, khu đô thị mới và khu tái định cư 160 ha; có 7 phân khu chức năng với dân số khoảng 245.000 người, khu đô thị mới là 200.000 người và khu tái định cư là 45.000 người.

Toàn Thủ Thiêm của Quyết định 367 chỉ có một khu nhà ở cao cấp ở phía bắc bán đảo và khu tái định cư. Dọc đại lộ Đông - Tây là các cao ốc 30 đến 100 tầng.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP. HCM, Bộ trưởng Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bao gồm các nhiệm vụ: lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định; hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; ban hành Điều lệ quản lý xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung và huy động các nguồn vốn trong nước, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đạt yêu cầu hiện đại.

Đến ngày 27/12/2005, UBND TP. HCM có Quyết định số 6565/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch chung Thủ Thiêm, trong đó, xác định quy mô khu trung tâm là 737 ha với 5 khu vực chính, gồm: Khu lõi Trung tâm chính, Khu Đa chức năng Đại lộ Đông Tây, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư phía Đông, Khu Lâm viên sinh thái phía Nam, tổng số dân là 130.000 người.

Mọi chuyện xảy ra khi Điều 2, Quyết định số 6565 được thiết lập.

Trong Điều 2, Quyết định số 6565 của TP. HCM ghi rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ”.

Một quyết định hành chính chưa từng có trong lịch sử các nền hành chính thế giới, một chính quyền cấp thành phố lại thay thế cả quyết định của người đứng đầu nhà nước.

Mặc dù về nguyên tắc, Quyết định 6565 không có giá trị pháp lý, nhưng nó vẫn được triển khai thực hiện, khiến cho người ta không khỏi nghi ngờ về ý đồ mập mờ bên trong đó.

Việc thay đổi quy hoạch ban đầu đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, làm nảy sinh nhiều khiếu kiện liên quan đến đất đai mà đến nay vẫn chưa có điểm dừng.

Một trong những điểm nóng của vấn đề đó là nhiều hộ dân cho rằng, khu vực sinh sống của họ không nằm trong diện quy hoạch và họ yêu cầu trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 mà Thủ tướng đã phê duyệt năm 1996.

Tuy nhiên, Chiều ngày 2/5 ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM, cho biết bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa tìm thấy.

Khi trao đổi với ông Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. HCM giai đoạn 1996 - 2001) cho biết: "Là người lập quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, tôi có ít nhiều dựa vào bản quy hoạch của ông Doxiadis đã làm trước 1975 để hoàn thành đồ án, hồ sơ kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/5.000 trình Thủ tướng năm 1996."

Như vậy, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 là có. Nhưng việc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. HCM nói bị thất lạc không tìm ra là một điều hết sức phi lý. Đó là chưa nói đến khi được phê duyệt nó sẽ được lưu giữ tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng,… Vấn đề là tại sao những nơi đó không còn?.

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm trình Thủ tướng phê duyệt năm 1996. Ảnh: Vnexpress

Hiện có hơn 60 hộ dân khiếu nại liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, và có ngay cả một làng dân oan Thủ Thiêm ngay lòng thủ đô Hà Nội kêu oan. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Dân oan Thủ thiêm và sự im lặng của báo chí hơn 20 năm

Trường hợp Thủ Thiêm thật ra không hẳn là giống nhưng cũng tương tự như nhiều trường hợp khiếu kiện đất đai khác trên khắp đất nước Việt Nam. Chính quyền TP. HCM đã thu hồi một diện tích đất đai nằm ngoài quyết định quy hoạch của Thủ tướng phê duyệt năm 1996.

Để hợp pháp hóa, Chính quyền TP. HCM đã áp dụng Điều 62 – Luật Đất đai 2013, mà điều luật này cho phép chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho các nhà đầu tư làm dự án. Có nghĩa là Chính quyền có quyền thu hồi bất kỳ miếng đất nào, ngôi làng nào để giao cho các đại gia bất động sản.

Kế tiếp, Chính quyền TP. HCM thực hiện giải tỏa đền bù với mức giá "không thuận mua vừa bán" đối với người dân.

Ngày 9/5, Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 7 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM đã tiếp xúc cử tri quận 2. Tại đây, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc, tâm tư nguyện vọng của mình.

Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói, gia đình mình từng bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải toả 3.780 m2, đất nhà bà chỉ được chi trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nghẹn ngào tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 9/5. Ảnh: Internet

Còn bà Nguyễn Ngọc Thanh khóc cho hay, gia đình mua căn nhà giá 50 cây vàng để ở, sau này chính quyền nói gia đình trong khu quy hoạch, được đền bù 94 triệu đồng. Sau đó, bố trí gia đình tới ở 1 chung cư, nhưng phải bỏ thêm 800 triệu mới được vào ở.

Đất được đưa đến tay các đại gia bất động sản, họ bán với giá 350 triệu/m2. Trong khi đó, chính quyền trả 18 triệu/mcho người Thủ Thiêm, thậm chí còn một vài trường hợp chỉ trả vài trăm nghìn đồng một mét vuông đất. Hơn nữa, đối với việc tái định cư, chính quyền sẽ "ưu tiên" với giá 20 triệu/m2. Như vậy, nếu mua đất để tái định cư thì mỗi nhà phải mang nợ 2 triệu/m2.

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 80% những đơn thư khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai. Chủ yếu đó là thu hồi đất và đền bù không thỏa đáng. Trong nhiều trường hợp khi bị dồn vào đường cùng, người dân đã chống lại người thi hành công vụ, những xung đột về đất đai ngày càng gay gắt giữa dân thường và chính quyền, có người đã phải vào tù chỉ vì đòi hỏi quyền sở hữu đất đai.

Về ngắn hạn người dân có thể chấp nhận những ngôn từ mỹ miều như “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” nhưng về dài thì họ nhận ra đó chỉ là lợi ích cá nhân, lợi ích của một nhóm người nào đó lạm dụng quyền hạn.

Báo chí là cơ quan ngôn luận của dân, là nơi để phơi bày sự thật cùng dân. Thế nhưng, dân oan, dân khiếu nại, mang nỗi oan từ Sài Gòn ra Hà Nội, thế mà không ai có thể giải quyết, cơ quan ngôn luận cũng chỉ biết im lặng suốt 20 năm và dần cho vào quên lãng.

 

Author: Tuệ Trúc

News day