Bé mồ côi và nạn ăn xin
Aries 04/12/2017 02:00 PM
Sự thật về em trai mồ côi lấy đi nước mắt nhiều người qua video của một facebooker và những trăn trở về nạn ăn xin tại Việt Nam.

Lòng thương người lên tiếng

Em Quàng Văn Viễn, 8 tuổi, đến từ bản Bó Lếch xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Hoàn cảnh của em được ghi lại và đăng trên facebook của Nguyễn Tuân, và đã dấy lên lòng thương cảm của nhiều người.

Theo anh Nguyễn Tuân, anh tình cờ thấy em đang chơi gần ống cống bên đường nên đã quay xe để hỏi han. Được biết em mồ côi bố mẹ, được dì mang về nuôi nhưng không được chăm nhiều vì gia cảnh dì nghèo khó. Em được thầy cô giúp đỡ và vẫn đi học. Ai cho gì ăn nấy. “Gương mặt sáng sủa, thông minh và rất nhanh nhẹn tôi thương cháu vô cùng.” Anh Tuân nói.

Em Quàng Văn Viễn mồ côi. Ảnh: vietnamnet.vn

Theo cô Dương Thị Thu - hiệu trưởng trường Tiểu học xã Mùn Chung cho biết, em là con ngoài giá thú, không có bố. Khi mẹ đi lấy chồng, em Viễn có bố dượng. Tháng 11 năm 2016 mẹ em Viễn mất vì bệnh tim, bố dượng bỏ đi làm thuê ở xa, em Viễn được chuyển đến ở với người thân trong họ cùng bản.

Nhà trường và Uỷ ban nhân dân xã, qua cô giáo chủ nhiệm, đã nắm được tình hình và có nhiều hỗ trợ: mỗi tháng được cấp 10kg gạo, các thầy cô đôi lúc cho em ăn trưa. Hiện em được nhận trợ cấp xã hội với mỗi tháng là 270 ngàn diện trẻ mồ côi.

Cô hiệu trưởng nói thêm “Khi hình ảnh của em Viễn được đưa lên mạng xã hội, nhiều người có lòng hảo tâm mong muốn nhận nuôi em Viễn. Tuy nhiên, dì của em Viễn cho biết, gia đình không đồng ý cho em đi nơi khác. Nếu được, gia đình mong muốn nhận được sự giúp đỡ để cuộc sống của em đỡ vất vả hơn”

Em viễn chơi trước nhà người đàn bà cùng bản. Ảnh: vietnamnet.vn

Cô chủ nhiệm cũng đính chính một số thông tin trên video lan truyền, rằng ngôi nhà trên video này không phải nhà của em. Nhà này của một người phụ nữ, đi lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới về. Hôm đó có thể em đã vào nhà này chơi. Cô cũng khẳng định việc em đang theo học trường Mùn Chung, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Những trăn trở

Nạn ăn xin tại Việt Nam và những người bị đẩy vào đường cùng có thuyên giảm hay không, và có thể đòi hỏi gì thêm ở chính quyền sở tại? Còn nhiều hoàn cảnh khó khăn chưa được những lòng hảo tâm như Nguyễn Tuân phát hiện. Nhưng vấn đề này có thực sự là vấn nạn, hay chỉ là một hiện tượng tất yếu?

Tại cuộc họp báo tại Việt Nam ngày 2.4.2015, người đại diện JICA (Quĩ Hợp tác Quốc tế của Nhật) đặt câu hỏi “Tôi nghĩ đến câu chuyện Việt Nam lúc nào không cần ODA nữa. Đến nay Việt Nam đã nhận ODA 20 năm. Bao giờ Việt Nam không cần nữa? 10 năm hay 20 năm nữa?”. Hàm ý xa gần của câu hỏi này là gì? (Theo facebook.com/ nhatkyyeunuoc1/). Gần đây có anh chàng Benjamin Holst đã đi theo sự nghiệp ăn mày chơi sang. Phải chăng ăn xin không còn là vấn nạn như người ta thường nghĩ?

Năm 2012, một bài trên Giáo dục Việt Nam đăng tin một thanh niên ăn xin kiếm 30 triệu đồng một tháng khiến người ta bức xúc.

Gã thanh niên ăn xin một tháng kiếm 30 triệu đồng. Ảnh: giaoduc.net.vn

"Tôi biết hiện nay có nhiều người già, trẻ em đói khổ, tàn tật, không nơi nương tựa và phải đi ăn xin. Những trường hợp đó quả thực rất đáng thương và cần mọi người chung tay giúp đỡ. Nhưng khổ một nỗi, giờ ăn xin thật có lẽ ít hơn ăn xin giả nên nhiều lúc gặp những người ăn xin, không cho thì thương mà cho tiền rồi tôi lại cứ băn khoăn: Mình có đang tiếp tay cho những kẻ đang giả danh không?”, Quang Linh, độc giả giaoduc.net.vn bày tỏ.

Sự việc này khiến nhiều người phẫn nộ và bối rối, khi lòng thương người “lá lành đùm lá rách” bị lợi dụng, không biết phân biệt thật và giả, chỉ thiệt cho những người già và trẻ em đói nghèo không chốn nương thân, nhưng bị “vơ đũa cả nắm”, bị xua đuổi như những kẻ chăn dắt và giả mạo.

Author: Aries

News day