“Sao ngành giáo dục lại hay “thêm” đến thế?”
Dương Thu 11/02/2017 02:00 PM
“Người dân ca thán rằng, sao lĩnh vực giáo dục lại hay “thêm” đến thế. Dạy thêm, học thêm, thu thêm và nay tôi lại lo ngại tình trạng lãng phí thêm", đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Cầu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) quan tâm đặc biệt đến vấn đề lạm thu trong trường học khi phát biểu ý kiến tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trong phiên thảo luận chiều 1/11 của Quốc hội.

“Đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc của cử tri đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến Quốc hội, ngoài các địa chỉ rất đặc biệt bắt các em phải đóng từ 9 triệu đồng, 16 triệu đồng hoặc đóng cả tiền xây dựng nông thôn mới.

Như báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã nêu tại Quốc hội thì tại nhiều địa phương, quỹ đóng góp tự nguyện gấp 2 đến 2,5 lần tiền học phí. Nạn lạm thu đã xảy ra từ nhiều năm trước và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân ca thán rằng, sao lĩnh vực giáo dục lại hay thêm đến thế, dạy thêm, học thêm, thu thêm và nay tôi lại lo ngại tình trạng lãng phí thêm”, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu nêu thực trạng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Quochoi.vn

“Tôi đọc tờ trình của bộ Giáo dục và Đào tạo xin lùi thời gian xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới vì không đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội và Quyết định 40/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi sực nhớ đến một vị lãnh đạo của Bộ này đã báo cáo trước ủy ban Thường vụ Quốc hội ước tính kinh phí thực hiện đề án này 34.000 tỷ đồng.

Dư luận báo chí thời điểm đó đã lên tiếng cho rằng, con số quá lớn. Và khi phê duyệt, con số này còn 778,8 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, 778,8 tỷ đồng dư luận và báo chí vẫn cho rằng “sao mà nhiều thế”. Theo quy định của Chính phủ từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2018 phải biên soạn và cho phép sử dụng phát hành một bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Từ năm 2018 đến năm 2019 bắt đầu triển khai theo hình thức cuốn chiếu và kết thúc đề án vào năm 2023.

Bây giờ xin lùi đến năm 2019, đến 2020 mới áp dụng cho lớp 1 và dự kiến đến năm 2023, 2024 mới áp dụng toàn bộ, còn đề án kết thúc vào năm nào thì chưa nói rõ. Việc kéo dài thời gian như vậy mà không lãng phí, không tăng kinh phí mới là lạ. Dự kiến mới của đề án này là 1.798 tỷ đồng chứ không ít ỏi”, vị ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu thực trạng.

ĐBQH Hồ Thị Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) thống nhất với đánh giá trong báo cáo về những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2017 của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân. Ảnh: Quochoi.vn

"Tuy nhiên, vấn đề điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng còn bất cập. Cách thức tổ chức và dạy học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số nơi còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề bạo lực học đường, lạm thu còn diễn ra. Số học sinh giỏi đăng ký vào các trường sư phạm có chiều hướng giảm.

Tôi đề nghị Báo cáo cần bổ sung, đánh giá những khó khăn, bất cập trên để có những cái nhìn toàn diện và từ đó đề ra nhiệm vụ giải pháp một cách xác đáng và hiệu quả hơn.

Tôi đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích, động viên những học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm có chất lượng cao. Cụ thể đó là, sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu,... Và có chính sách tuyển dụng một cách phù hợp. Đặc biệt cần có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là đội ngũ nhà giáo. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số quy định liên quan đến chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên để đảm bảo công bằng và phù hợp hơn”, ĐBQH Hồ Thị Vân phát biểu.

Theo: nguoiduatin.vn

 

Tác giả: Dương Thu

Tin mới trong ngày