An toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh hơn
Aries 03/06/2017 02:00 PM
Toàn dân canh cánh nổi lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy các điều luật đã được ban hành và thực thi, vẫn có nhiều vấn đề cần được xem xét và xử lý triệt để.

Các con số đáng lưu ý

Tại báo cáo của Chính phủ với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, sáng 3/3 tại Hà Nội, thông tin được nêu rằng: từ 2011 - 2016, cơ quan điều tra các cấp khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại buổi làm việc với đoàn giám sát sáng 3/3. Ảnh: vneconomy.vn

5 Năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ xử lý 136.545 cơ sở, chiếm chỉ 20%. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% trong năm 2016, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu. 

Tội buôn lậu khởi tố 9 vụ, 12 bị can (hàng hoá buôn lậu là thực phẩm). Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (hàng vận chuyển là thực phẩm) có 7 vụ, 19 bị can. Kết quả xử lý theo cử tri có lẽ là chưa nghiêm, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh.

Lý giải về những con số ít ỏi trên, Chính phủ phân tích, điều 155 Bộ luật Hình sự 2009 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm chỉ quy định hành vi sản xuất và buôn bán, không có quy định về hành vi sử dụng. Nên khi phát hiện các đối tượng có sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm thì không thể khởi tố, điều tra về tội danh này.

Điều 244 quy định tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết như "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

Cũng liên quan đến kết quả xét xử các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, báo cáo của Toà án nhân dân Tối cao khẳng định: người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm khá nhiều nhưng bị xử lý hình sự rất ít.

Vấn đề kinh phí và mức độ xử phạt chưa mạnh tay

Sáng ngày 2 tháng 3, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Về đầu tư, ông Long cho biết tổng kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 là 38,681 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 11,919 tỷ đồng, bình quân chi 6,446 tỷ đồng/ năm. Còn bình quân chi theo đầu người 5.372 đồng/người/năm, cao hơn 0,9 lần so với bình quân chung của cả nước (2.800 đồng/người/năm).

Theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện (thu ngân sách gần 40,000 tỷ/năm, theo phóng viên vneconomy.vn) có thể cân đối để đầu tư cho an toàn thực phẩm ở mức cao hơn nữa.

Theo báo cáo của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2016 toàn tỉnh xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 299 người mắc phải, không có người tử vong. Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết lý do các vụ vi phạm chủ yếu là nhắc nhở, vì với các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã biên chế chuyên trách không có, chủ yếu là nhân lực của ngành y tế. Mặt khác, căn cứ vào kiểm tra, đa số dựa vào kiểm tra nhanh nên không đủ cở sở để xử lý mạnh.

Việc thanh tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chưa nghiêm, huyện xã chỉ nhắc nhở nên khả năng răn đe ở mức độ thấp, Phó chủ tịch lưu ý. Trưởng đoàn giám sát còn lưu ý Quảng Ninh về môi trường từ nguồn nước đến không khí tại một số khu vực chưa đảm bảo, điều này chắc chắn tác động tiêu cực đến an toàn thực phẩm.

Hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm liệu có đang phát huy tác dụng. Ảnh: pixabay.com

Liệu vấn đề có nằm trong bộ luât?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại một hội thảo về an toàn thực phẩm, hôm 1/3 tại Quảng Ninh “Nếu thương người nghèo mà cứ để họ sử dụng chất cấm thì lại làm hại người tiêu dùng”. TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, khái quát: “Luật An toàn thực phẩm có 28 định nghĩa thì 26 định nghĩa không chuẩn, ngôn ngữ thì luẩn quẩn, lủng củng, không có tính thực tiễn và hội nhập.v.v”.

Theo ông Đáng, luật này phải có một chương về thực phẩm, quy định rõ tiêu chí thực phẩm cho người ăn, điều kiện để được lưu hành, thế nào là sản phẩm kém chất lượng, thế nào là thực phẩm giả và biện pháp phòng chống ra sao. Hơn nữa, vấn đề là kiến thức chuyên môn trong luật định nghĩa không chuẩn, bao gồm cả định nghĩa về ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh sửa luật, ông Đáng kiến nghị, cần đầu tư bộ máy hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đầu tư kinh phí từ 5 - 7 chu kỳ để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng văn bản pháp luật không đến nỗi thiếu, vấn đề vẫn là do thực thi không nghiêm túc.

Tổng hợp từ economy.vn

Author: Aries

News day