Tranh cãi về phát âm tiếng Anh chuẩn - Giáo viên Elight tiếp tục dậy sóng vì nói dối về bằng cấp
Thảo Nguyên 08/22/2017 06:30 PM
Vụ việc cô giáo Phan Kiều Trang của trung tâm anh ngữ Elight - đối tượng gây chú ý của cư dân mạng sau clip dạy phát âm tiếng Anh của youtuber nước ngoài Dan Hauer - nói dối về học bổng toàn phần Endeavour (Úc) đang khiến cộng đồng Facebook "dậy sóng".

Mới đây, cư dân mạng được phen “phát sốt” vì một clip dài 15 phút được đăng tải bởi youtuber người Mỹ Dan Hauer, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trong clip, Dan chỉ ra một số lỗi sai trong cách phát âm tiếng Anh của người Việt, lấy ví dụ bằng clip dạy học của trung tâm anh ngữ Elight. Ngay sau đó, trung tâm đã đăng tải một clip xin lỗi với sự góp mặt của các giáo viên, trong đó cô giáo Phan Kiều Trang thậm chí còn rơi nước mắt.

Sự việc tưởng chừng đã dừng lại ở đó. Nhưng rồi một số cư dân mạng lại tiếp tục phát hiện ra chuyện cô giáo Trang có thể đã nói dối về việc được nhận học bổng danh giá của Úc – Endeavour.

Status "bóc phốt" cô Trang gây bão dư luận. Ảnh: facebook L.N

Trong profile cá nhân của Phan Kiều Trang đăng tải trên website của trung tâm Elight, dòng đầu tiên ghi rằng cô từng nhận “Học bổng toàn phần Endeavour của Chính phủ Úc, ngành Marketing và Nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Anh, trường ĐH Victoria, 2013”. Việc Trang nhận học bổng Endeavour cũng từng được nhắc đến trong các bài viết về cô giáo này trên trang web Elight.edu.vn. Tuy nhiên một tài khoản facebook tên L.N đã đối chiếu danh sách các sinh viên được nhận học bổng Endeavour từ 2007 - 2016 và không phát hiện ra cái tên “Phan Kiều Trang” nào.

Một phần Profile của cô Trang trên website của Elight, hiện đã bị xóa. Ảnh: facebook V.V.D

L.N cho biết thêm rằng bản thân cũng là dân Endeavour 2014, nhưng chưa từng biết đến cô giáo Trang mặc dù các sinh viên được nhận học bổng Endeavour thường kết nối với nhau rất tốt nên đã thử xác nhận điều này.

Một phần bài viết về cô Trang trên website của Elight. Ảnh: facebook V.V.D

Ngay sau khi thông tin về việc cô giáo Trang nói dối mình nhận học bổng được lan truyền trên mạng, phía trung tâm Elight và cô Trang đã gỡ bỏ toàn bộ các dữ liệu liên quan đến “học bổng Endeavour” trên website của trung tâm. Tuy vậy, rất nhiều người dùng facebook đã nhanh tay chụp lại màn hình làm bằng chứng. Một tài khoản facebook khác có tên V.V.D đã tìm ra chương trình mà có thể cô Trang đã theo học. Đó là chương trình học liên kết một học kì giữa Đại học Hà Nội – nơi Trang theo học, và Đại học Victoria của Úc. Trong chương trình có ghi sinh viên vẫn phải đóng học phí bình thường, trường chỉ hỗ trợ một phần chứ không hỗ trợ toàn phần. Hơn nữa sinh viên chỉ được học một chuyên ngành, nhưng Trang lại ghi học hai chuyên ngành Marketing và Nghiên cứu ngôn ngữ Anh. Vậy câu hỏi Trang có nhận được học bổng hay không và học được hai ngành hay không cần một lời giải đáp.

Có thể cô Trang đã tham gia một chương trình học liên kết? Ảnh: Facebook V.V.D

Lại quay trở về vấn đề phát âm tiếng Anh của người Việt ta. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết trong lời tựa cuốn sách mang tên “Tớ là Dâu” của một blogger nước ngoài khá nổi tiếng tại Việt Nam – Joe Juelle rằng: “Nghe Tây nói tiếng Việt vui lắm. Cứ như bước vào cái nhà cười. Mọi đường nét của âm thanh đều biến dạng. Tiếng Việt là ngôn ngữ hẻo lánh. Đã thế lại rất oái ăm, bởi nó có đến sáu thanh. Chỉ nhầm một tí là đi một dặm.”. Chính nhà thơ cũng dí dỏm chia sẻ rằng Joe dùng tiếng Việt “lọc lõi đến ma quái”, và đối với một người ngoại quốc thì đó quả là thành tích đáng nể.

Đất nước Việt Nam mình cũng có những người giỏi đến độ biết chơi đùa với tiếng Anh như thế, nhưng số lượng đó không nhiều. Nghe Tây nói tiếng Việt vui một, thì nghe ta nói tiếng Tây vui mười. Thực tế, vấn đề phát âm tiếng Anh của người Việt đã được đặt ra từ rất lâu rồi. Chuyện một người sinh ra và lớn lên ở dân tộc này học tập ngôn ngữ của dân tộc khác đâu phải dễ dàng, cho nên lẽ dĩ nhiên người ta sẽ ít nhiều mắc sai lầm. Hơn nữa, không hề tồn tại những thứ như là “chuẩn phát âm tiếng Anh 100%”, bởi dù là bất cứ ngôn ngữ nào thì cũng đều tiềm ẩn nhiều tranh cãi – giống như tiếng Việt mình vẫn còn tranh cãi "i" hay "y", "d" hay "gi" vậy.

Hình ảnh từ clip "Người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt" - Youtuber Dan Hauer. Ảnh: Youtube

Nhưng những điều đã được thừa nhận là nguyên tắc thì chúng ta phải tuân theo. Những cái đã được người bản xứ xem là đúng thì chúng ta phải làm cho đúng. Đánh người chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, Dan Hauer chỉ ra cho chúng ta biết lỗi sai, việc của chúng ta là ghi chú lại các lỗi sai ấy để sửa chữa. Tuy thế, có vẻ cách một số người Việt – mà cụ thể là trung tâm anh ngữ Elight cùng cô giáo Phan Kiều Trang – xử sự trước lỗi sai của chính mình chưa được thỏa đáng cho lắm.

Khi clip Dan Hauer tung lên nhận được quá nhiều phản hồi và trung tâm Elight phải hứng chịu rất nhiều áp lực dư luận, trung tâm đã đăng tải một clip xin lỗi, hứa hẹn sẽ thay đổi. Trong clip, cô Trang rơi nước mắt chia sẻ rằng bản thân từng rất tự ti, từng phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần người khác để hoàn thành ước mơ. Cô Hoa – một giáo viên khác của trung tâm, cũng cho biết rằng tiếng địa phương Nghệ An đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách phát âm của mình. Mức độ chân thành của các nhân vật trong clip đến đâu, chỉ có họ mới biết. Thế nhưng việc khóc lóc, kể lể về quá khứ, thậm chí đề cập cả tiếng địa phương Nghệ An khiến các thầy cô của trung tâm bị rất nhiều người chỉ trích rằng “giả tạo”, “bao biện”, “diễn”.

Còn khi vụ việc nói dối về học bổng nổ ra, cô Trang lại xóa hết mọi thông tin liên quan đến “học bổng Endeavour” trên website của Elight cũng như từ chối trả lời các câu hỏi của phía báo chí. Chưa kể đến việc hành động này không khác gì một lời tự thú ngầm, cách mà cô Trang xóa bỏ thông tin, trốn tránh trách nhiệm như vậy hoàn toàn không đáng được hoan nghênh.

Hình ảnh từ clip xin lỗi của trung tâm anh ngữ Elight. Ảnh: Youtube

Giáo viên dạy phát âm sai chỉ kéo theo học trò phát âm sai, nhưng giáo viên mà lừa dối thì sẽ khiến người ta phải đặt câu hỏi về nhân cách của họ, và liệu những người theo học có bị ảnh hưởng hay không? Nếu không sớm được làm sáng tỏ, câu chuyện học bổng toàn phần của cô giáo Phan Kiều Trang sẽ khiến trung tâm Elight nói riêng và rất nhiều trung tâm, tổ chức đang hành nghề giáo dục nói chung đánh mất uy tín với cộng đồng.

Thiết nghĩ, trong cương vị một giáo viên – người có nghĩa vụ cao cả là truyền đạt tri thức, trí tuệ – cách ứng xử của cô Trang rõ ràng là chưa hợp tình hợp lý. Cư dân mạng vẫn đang chờ đợi ở cô Trang một lời giải thích chính thức về vấn đề “học bổng toàn phần Endeavour” cũng như một thái độ thẳng thắn, cầu tiến, biết sửa sai thay vì chỉ cố gắng phân trần, kể lể.

Author: Thảo Nguyên

News day