'Khi tách cà phê còn chưa nguội' - hành trình ngược dòng thời gian ngắn ngủi
CTV Thảo Nguyên 05/26/2018 06:30 PM
Bạn đã bao giờ có mong ước quay trở lại quá khứ chưa? Có một quán cà phê nhỏ có khả năng thực hiện được điều đó cho bạn: quán “Funiculì Funiculà” trong cuốn tiểu thuyết “Khi tách cà phê còn chưa nguội” của nhà văn, nhà viết kịch Nhật Bản Toshikazu Kawaguchi.

Trước tiên, hãy thử tự hỏi chính mình xem tại sao bạn lại muốn quay về quá khứ? Một số chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm sự việc lần nữa. Một số muốn gặp lại người quen. Nhưng hầu hết mọi người hẳn đều muốn thay đổi, sửa chữa điều gì đó; bởi lẽ bất cứ ai sống trên đời cũng từng trải qua cảm giác ăn năn, hối hận vì việc mình đã làm.

Tác giả Toshikazu Kawaguchi đã sáng tạo ra một quán cà phê có khả năng đưa con người đi xuyên qua dòng thời gian và quán ấy có tên “Funiculì Funiculà”. Thế nhưng với hầu hết mọi người, phép màu đó lại chẳng hề đáp ứng được mong muốn của họ. Bởi lẽ tại quán cà phê này, có những nguyên tắc nhất định phải tuân theo nếu bạn thực sự muốn được quay về quá khứ. Bạn phải ngồi lên chiếc ghế đặc biệt của quán, nhân viên quán sẽ rót cho bạn một tách cà phê và rồi chiếc ghế sẽ đưa bạn đến một thời điểm nhất định trong dòng chảy thời gian. Bạn chỉ được phép gặp lại những người đã từng đến quán. Bạn bắt buộc phải quay trở lại hiện tại trước khi tách cà phê nguội, nếu không bạn sẽ bị mắc kẹt. Quan trọng nhất: dù bạn có làm bất cứ điều gì, thực tại vẫn sẽ không thay đổi.

Bìa phiên bản tiếng Nhật của cuốn sách. Ảnh: Hondarake

Khoảng thời gian cho phép quá ngắn, không thể sửa chữa bất cứ điều gì, lại thêm vô số nguyên tắc rắc rối cần tuân theo khiến cho quán cà phê cùng với chiếc ghế thần kỳ trở thành một “truyền thuyết thành thị” kì lạ nhưng nhàm chán, chẳng ai thèm quan tâm. Duy chỉ một vài gương mặt thân thuộc của quán, những vị khách quen, người làm và thậm chí là vợ của chủ quán, là quyết định đặt niềm tin vào chiếc ghế nhỏ kia. Và chính họ đã viết nên những câu chuyện tuyệt đẹp. Toshikazu Kawaguchi tạo ra bốn mẩu chuyện nhỏ xoay quanh bốn mối quan hệ rất phổ biến trong đời sống thường ngày: người yêu, vợ chồng, chị em và mẹ con.

Câu chuyện thứ nhất kể về một cô gái có người yêu sắp ra nước ngoài ba năm, do lòng tự tôn quá cao nên thời điểm biết chuyện cô đã không thể nói với anh câu “Anh đừng đi” để rồi day dứt mãi. Câu chuyện thứ hai kể về vợ của người đàn ông bị chứng Alzheime (một chứng rối loạn trí nhớ khiến bệnh nhân quên dần mọi thứ và thay đổi tính cách), chị đang dần bị chính chồng mình lãng quên. Câu chuyện thứ ba kể về một bà chị đã bỏ nhà đi từ rất sớm vì không muốn tiếp quản sự nghiệp của bố mẹ, một cô em dành rất nhiều công sức cố gắng thuyết phục chị về nhà nhưng không may bị tai nạn. Câu chuyện cuối cùng kể về một người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh, bà biết chắc chắn mình chẳng thể nào sống nổi nếu lựa chọn sinh ra đứa con trong bụng.

Dù là ai đi chăng nữa, họ cũng không thể thay đổi thực tại. Người yêu của cô gái trẻ vẫn sẽ đi nước ngoài, người chồng vẫn sẽ quên dần người vợ, cô em gái vẫn sẽ gặp tai nạn và bà chị vẫn phải để tang em, người mẹ bị bệnh tim vẫn không thể nhìn đứa con mình lớn lên từng ngày. Chúng ta thường nghĩ rằng giá trị to lớn nhất của việc bẻ gãy dòng chảy thời gian chính là để thay đổi điều gì đó và khi không thể thay đổi, chúng ta tuyệt vọng. Thế nhưng đọc bốn câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy rằng thật sự đã có điều gì đó thay đổi - không phải là hiện tại, mà chính là tâm hồn của con người. Quay lại quá khứ, người ta sẽ có thêm một cơ hội để nhìn nhận kỹ càng sự việc đã xảy ra. Người ta phát hiện ra những góc khuất mà trước đó do quá rối loạn, do cảm xúc che mờ lí trí mà người ta đã không hề để tâm. Người ta hiểu rõ bản thân hơn, hiểu rõ đối phương hơn. Cô gái trẻ nhận ra rằng chàng trai vẫn rất yêu cô, anh cần ở cô sự kiên trì chờ đợi chứ không phải anh hoàn toàn bỏ quên cô để chọn lấy sự nghiệp. Người vợ bỗng hiểu chồng mình hạnh phúc đến thế nào khi có chị làm vợ. Bà chị gái ngỡ ngàng khi biết cô em chẳng hề trách móc mình vì đã bỏ đi mà ngược lại còn luôn luôn thương nhớ mình. Người mẹ an tâm thấy con gái lớn lên mạnh khỏe xinh đẹp. Sâu thẳm trong trái tim họ, điều gì đó đã thực sự thay đổi. Họ được xoa dịu, vết thương lòng được chữa lành, họ an tâm hơn và mạnh mẽ hơn để tiếp tục bước tới tương lai. Suy cho cùng thì chẳng ai sửa chữa được quá khứ hay thay đổi được hiện tại, nhưng tương lai thì nào ai biết trước, phải không? Vì thế điều mỗi người cần không phải là mãi đau buồn, tiếc nuối, mà là có đủ dũng khí để sống tiếp một cách thật tốt đẹp.

Cuốn sách "Khi tách cà phê còn chưa nguội". Ảnh: Mintbook

Lối hành văn của Toshikazu Kawaguchi nhẹ nhàng, êm đềm, đôi lúc hơi huyền bí. Ông đã rất tài tình dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng của quán cà phê “Funiculì Funiculà”, chìm đắm trong không gian mờ ảo, cổ kính ấy, gặp gỡ từng nhân vật, dõi theo từng câu chuyện. Mọi thứ hiện ra vô cùng sống động và chân thực, có lẽ do tác giả đồng thời còn là một nhà viết kịch nên từng khung cảnh, từng cách dàn dựng đều rất chi tiết. Đôi lúc ta tưởng như rùng mình ớn lạnh vì chi tiết "hồn ma con gái mặc chiếc váy trắng"; đôi lúc cảm nhận rõ rệt cái nắng nóng của mùa hè Nhật Bản và cả sự thoải mái khi đặt chân vào quán cà phê nằm bên dưới mặt đất, vốn lúc nào cũng mát mẻ; lắm khi lại bị cuốn theo sự vui mừng, hạnh phúc của tất cả các nhân vật.

“Khi tách cà phê còn chưa nguội” rất phù hợp để vừa nhâm nhi một chút cà phê, vừa đọc ngấu nghiến từng dòng giữa một ngày mưa buồn. Và khi gấp cuốn sách lại, bạn hãy dành một chút thời gian suy nghĩ: Bạn còn vấn vương những điều gì? Liệu trái tim bạn đã đủ yêu thương và hi vọng để bỏ qua tất cả mà sống trọn vẹn cho hiện tại, cho tương lai?

Author: CTV Thảo Nguyên

News day