Google và YouTube Music sẽ khó tiếp cận với thị trường nghe nhạc trả phí?
CTV Nam Nam 06/06/2018 11:30 AM
Có vẻ việc Google chọn YouTube Music là mũi nhọn tấn công thị trường nghe nhạc trả phí đang gặp vô vàn khó khăn khi phải đối đầu với các đối thủ rất mạnh Spotify hay Apple Music.

Hàng chục triệu lượt thành viên đăng ký trả phí hàng tháng của các ứng dụng Spotify hay Apple Music là mảng thị trường vô cùng béo bở mà Google đang mong muốn được xâm nhập. "Gã khổng lồ" đã tung ra dịch vụ YouTube Music như một động thái đầy cố gắng để có thể giành lấy một lát bánh trong thị trường nghe nhạc trả phí - một thị trường đang phát triển hết sức mạnh mẽ trong những năm gần đây.

YouTube Music - Công cuộc tấn công thị trường nghe nhạc trả phí của Google.
Ảnh: Forbes

Nguồn lực to lớn của YouTube Music

YouTube có thể coi là nền tảng nghe nhạc phổ biến nhất thế giới ở thời điểm hiện tại và đó chính là lợi thế cho Google bắt đầu dự án của mình. Dù nghe nhạc vốn không phải là mục đích chính để người dùng sử dụng YouTube, thế nhưng không thể phủ nhận rằng nguồn nhạc của dịch vụ này là cực khủng. Nguồn nhạc này không chỉ nhờ vào nguồn nhạc mà các hãng phát hành cung cấp mà còn nhờ vào sự đóng góp tải lên của cả những người sử dụng.

Đã có nhiều tranh cãi về nguồn nhạc của YouTube khi người dùng có thể thoải mái tải lên mà không quan tâm vấn đề bản quyền. Sau tất cả, YouTube vẫn là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn, bởi lý do quan trọng nhất: bạn có thể sử dụng YouTube một cách hoàn toàn miễn phí.

YouTube Music có nguồn nhạc khổng lồ đến từ YouTube.
Ảnh: google.com

Google đã cung cấp YouTube Music từ ngày 22/5 năm nay tại năm quốc gia: Mỹ, Úc, New Zealand, Mexico và Hàn Quốc. Trong vài tuần tới dịch vụ sẽ có mặt ở Canada, Anh Quốc, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Na Uy, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

YouTube Music cũng bao gồm thuê bao miễn phí có quảng cáo, ít tính năng hơn tương tự với Spotify. Người dùng có thể trả 10 USD (hơn 230.000 đồng) mỗi tháng cho gói Premium để bỏ quảng cáo, thêm một số tính năng như nghe offline và chạy nền khi đóng cửa sổ. Quan trọng nhất, người dùng không thể vừa nghe nhạc trên YouTube vừa sử dụng ứng dụng khác nếu đã dùng YouTube Music miễn phí.

YouTube Music đã được tung ra trong tháng 5 vừa qua.
Ảnh: genk.vn

YouTube Music chưa đủ sức cạnh tranh với các đối thủ

Chậm trễ là điều đầu tiên khiến Google chưa thể chiếm hữu được thị trường nghe nhạc trả phí, thị trường đã đạt mức 4 tỉ USD vào năm 2017. Trong khi Spotify đạt mức 70 triệu người dùng đăng ký toàn cầu, Apple Music đạt 36 triệu người dùng đăng ký, thì cả Google Play Music và YouTube Red cộng lại mới chỉ được có 7 triệu người - thấp hơn cả Dezzer và Amazon Music.

Khó khăn lớn nhất của YouTube Music để cạnh tranh với Spotify hay Apple Music đó là thiếu sự đầu tư trong việc tạo tiện ích dịch vụ. Cả Spotify lẫn Apple Music đều đã đầu tư rất nhiều công sức cho những việc chăm sóc khách hàng như tạo ra những Playlist nhạc tuyển chọn, làm việc với các nghệ sĩ để đem lại trải nghiệm âm nhạc đúng chuẩn nhất cho người dùng, và đặc biệt, là quản lý và dọn dẹp hệ thống dữ liệu âm nhạc: tên bài hát, ca sĩ, album, năm phát hành... Đó là những công việc rất tốn công và không thể nhanh chóng trong một sớm một chiều.

YouTube Music chưa đủ hấp dẫn với người dùng.
Ảnh: vnreview.vn

Đặc biệt, YouTube Music chưa được tạo ra dành cho những người muốn nghe nhạc và không cần xem video. Ví dụ nếu bạn bấm vào tên ca sĩ, YouTube Music không hề đưa bất cứ thông tin nào về ca sĩ này, cũng như chẳng liệt kê danh sách các album theo trình tự thời gian ra mắt.

Đến thời điểm hiện tại, Google với YouTube Music chưa thể chiếm lĩnh thị trường nghe nhạc trả phí từ Spotify hay Apple Music do những thiếu sót đến từ chính dịch vụ này. Để lấy được sự tin dùng từ hàng triệu người nghe nhạc, YouTube Music còn phải nỗ lực rất nhiều.

Author: CTV Nam Nam

News day