Vì sao 10.3 Âm lịch được chọn là ngày giỗ Tổ Hùng Vương?
UTU 04/06/2017 12:30 PM
Cứ đến 10.3 Âm lịch hằng năm, người dân lại nô nức đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.

Dân gian có câu “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc.

Vậy vì sao 10.3 Âm lịch hàng năm lại được lựa chọn làm ngày Giỗ Tổ mà không phải là một ngày khác?

Trả lời câu hỏi này, Bà Tạ Thị Kim Nhung – Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, lễ hội Đền Hùng bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và đã có từ lâu đời.

Lễ hội Đền Hùng bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và đã có từ lâu đời.
Ảnh: Baomoi.com

“Theo Ngọc Phả Hùng Vương hiện lưu giữ ở Khu di tích Đền Hùng viết năm 1470, ngày 10.3 Âm lịch là ngày giỗ của Vua Hùng cuối cùng (đời thứ 18) và ngày đó được chọn là ngày chính cho tất cả ngày giỗ Tổ Hùng Vương”, bà Nhung nói.

Bà Nhung cho biết thêm, từ thuở hoang sơ, dưới chân núi Hùng có 3 làng thờ Vua Hùng. Trong đó, làng Cổ Tích, xã Hy Cường, thành phố Việt Trì, Phú Thọ chọn 3 ngày 9, 10 và 11.3 Âm lịch để tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Vua Hùng. Chiều 9.3, người dân lên miếu Thượng rước Tổ thánh về đình Cổ tích. Ngày 10.3 là ngày lễ chính với các lễ tế được diễn ra. Đến ngày 11.3, rước tượng Vua Hùng trở lại miếu.

Dâng hương đền Hùng.
Ảnh: Thanhnien.vn

Còn theo TS Phạm Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ, nguồn gốc lễ hội Đền Hùng đến nay chưa xác định được có từ bao giờ.

Trước năm 1917, lễ hội tự phát nên không diễn ra hằng năm. Hơn nữa, lễ hội tổ chức ở quy mô nhỏ, khi nào muốn làm to thì phải trình công văn lên tỉnh. Tỉnh đồng ý mới được làm to.

“Đến ngày 25.7.1917, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn dâng lên Bộ Lễ triều đình Nguyễn xin lấy ngày 10.3 Âm lịch làm ngày tổ chức lễ hội. Sau khi được đồng ý, từ năm 1918 trở về đây, lễ hội được tổ chức định kì vào 10.3 Âm lịch”, TS Tuấn cho hay.

Theo 24h.com

Author: UTU

News day