Nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt
Hà Thảo 12/02/2016 05:00 PM
Với một quốc gia có một ngôn ngữ được đánh giá giàu và đẹp như Việt Nam, văn hóa giao tiếp sẽ rất đa dạng và có những đăc trưng khác biệt so với các nước nhiều trên thể giới.

Việc tìm hiểu văn hóa giao tiếp của người Việt sẽ mang tới những điều thú vị, hấp dẫn. Văn hóa giao tiếp là một bộ phận trong tổng thể văn hóa nhằm chỉ quan hệ giao tiếp có văn hóa của mỗi người trong xã hội (giao tiếp một cách lịch sự, thái độ thân thiện, cởi mở, chân thành, thể hiện sự tôn trọng nhau), là tổ hợp của các thành tố: lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, cách ứng xử…

Đặc trưng giao tiếp của người Việt

1. Xét về thái độ đối với việc giao tiếp, có thể thấy đặc điểm của người Việt Nam là vừa thích giao tiếp, lại vừa rất rụt rè

Như đã nói, người Việt Nam nông nghiệp sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong cộng đồng, chính tính cộng đồng này là nguyên nhân khiến người Việt Nam đặc biệt coi trọng việc giao tiếp, và do vậy rất thích giao tiếp. Việc thích giao tiếp này thể hiện chủ yếu ở hai đặc điểm: người Việt Nam có tính thích thăm viếng, với đối tượng giao tiếp thì người Việt Nam có tính hiếu khách.

Trọng tình nghĩa là đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt.
Ảnh: vhrc.vn

Đồng thời với việc thích giao tiếp, người Việt Nam lại có đặc tính hầu như ngược lại là rất rụt rè – điều mà những người quan sát nước ngoài rất hay nhắc đến. Sự tồn tại đồng thời của hai tính cách trái ngược nhau (thích giao tiếp và rụt rè) này bắt nguồn từ hai đặc tính cơ bản của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng và tính tự trị. Khi đang ở trong phạm vi của cộng đồng quen thuộc, nơi tính cộng đồng ngự trị thì người Việt Nam sẽ tỏ ra xởi lởi, thích giao tiếp. Còn khi ở ngoài cộng đồng, trước những người lạ, nơi tính tự trị phát huy tác dụng thì người Việt Nam sẽ tỏ ra rụt rè.

2. Đặc điểm trọng tình nghĩa ghi dấu trong văn hoá giao tiếp của người Việt
Xét về quan hệ giao tiếp, văn hóa nông nghiệp với đặc điểm trọng tình đã dẫn người Việt Nam tới chỗ lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử: "Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng"; "Yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười"; "Yêu nhau chín bỏ làm mười"; "Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo"; "Yêu nhau mọi việc chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng"…

Nếu nói khái quát, người Việt Nam lấy sự hài hòa âm dương làm trọng nhưng vẫn thiên về âm hơn, thì trong cuộc sống, người Việt Nam sống có lý có tình nhưng vẫn thiên về tình hơn: Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình. Người Việt Nam luôn coi trọng tình cảm hơn mọi thứ trên đời. Ai nhớ mình một chút đều phải nhớ ơn, ai bảo ban một chút cũng phải tôn làm thầy

3. Tính cộng đồng còn khiến cho người Việt Nam, dưới góc độ chủ thế giao tiếp, có đặc điểm là trọng danh dự

Tốt danh hơn lành áo; Đói cho sạch, rách cho thơm; Trâu chết để da, người ta chết để tiếng (tục ngữ). Như đã nói, danh dự được người Việt Nam gắn với năng lực giao tiếp: Lời nói ra để lại dấu vết, tạo thành tiếng tăm, nó được truyền đến tai nhiều người, tạo nên tai tiếng.

Chính vì quá coi trọng danh dự nên người Việt Nam mắc bệnh sĩ diện.

Không thể bỏ qua tính cố kết cộng đồng trong giao tiếp của người Việt.
Ảnh: Vihan.vn

4. Về cách thức giao tiếp, người Việt Nam ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận

Lối giao tiếp tế nhị, ý tứ khiến người Việt Nam có thói quen giao tiếp “vòng vo tam quốc”, không bao giờ mở đầu trực tiếp, nói thẳng vào vấn đề như người phương Tây. Truyền thống Việt Nam khi bắt đầu giao tiếp là phải vấn xá cầu điền, hỏi thăm nhà cửa ruộng vườn. Cũng để tạo không khí, để đưa đẩy, người Việt Nam trước đây có truyền thống “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Với thời gian, trong chức năng “mở đầu câu chuyện” này, “miếng trầu” từng được thay thế bằng chén trà, điếu thuốc lá, ly bia…

Người Việt Nam ưa sự tế nhị.
Ảnh: tamsugiadinh.com

5. Người Việt Nam có một hệ thống nghi thức lới nói rất phong phú

Trong tiếng Việt có tổng cộng trên 60 từ xưng hô. Hệ thống xưng hô cực kỳ phong phú này thể hiện rất rõ các đặc tính của văn hóa nông nghiệp Việt Nam

Người Việt rất thích giao tiếp.
Ảnh: yume.vn

Trước hết, đó là sự phong phú trong hệ thống xưng hô tiếng Việt: Trong khi các ngôn ngữ khác chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng thì tiếng Việt, ngoài các đại từ nhân xưng (mà số lượng cũng rất phong phú do có nhiều biến thể), còn sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng (anh, chị - em; ông, bà, bác, cô, gì, chú - cháu, con…) và một số danh từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ (thầy, cô, bác sĩ, ông cai, ông lý, ông huyện, ông đội…) để thay thế cho đại từ, chúng trở thành các từ đại từ hóa, những từ đại từ hóa này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng.

Author: Hà Thảo

News day