Nghịch lý bóng đá Trung Quốc: Câu lạc bộ chiêu mộ càng nhiều sao, đội tuyển quốc gia càng lao đao.
Đình Hiển 12/23/2016 11:00 PM
Những đại gia Trung Quốc sẵn sàng vung tiền để săn đón các ngôi sao bóng đá thế giới trong khi nền bóng đá nước này mà điển hình là đội tuyển quốc gia đang ngụp lặn trong cơn khủng hoảng, khi mà các cầu thủ nội không thể cạnh tranh với các danh thủ và những cầu thủ trẻ gần như không còn cơ hội được cọ xát ở giải vô địch quốc gia.

Nửa tỷ Euro, đó thật sự là một con số điên rồ cho phí chuyển nhượng của một cầu thủ. Dẫu biết rằng ở thời điểm hiện tại, giá trị của các cầu thủ được đẩy lên khá cao và đôi lúc đó còn là những con số phi thực tế. Song, 500 triệu Euro quả thật là một con số không tưởng cho một bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ. Ấy vậy mà một đội bóng chỉ mới được thành lập sáu năm như câu lạc bộ Fortune Hồ Bắc Trung Hoa ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc lại sẵn sàng duyệt chi còn số ấy để chiêu mộ siêu sao người Argentina – Lionel Messi ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông này.
Trước đó, ở kỳ chuyển nhượng mùa hè, con số 120 triệu Euro mà MU bỏ ra để đưa về “đứa con thất lạc” Paul Pogba đã là một điều không tưởng và khó chấp nhận, nhất là đối với những người làm bóng đá chân chính muốn phát triển đội bóng từ nền móng với những cấp độ trẻ. Thế nhưng, những điều ấy vẫn chưa là gì trước tình cảnh vung tiền ồ ạt của các ông chủ người Trung Quốc.

Giải vô địch quốc gia và hạng nhất quốc gia Trung Quốc lần lượt xếp hạng 1 và 4 trong các giải đấu chịu chi nhất ở kỳ chuyển nhượng  tháng 1/2016.
Ảnh: Thethaovanhoa.vn.

Hẳn mọi người vẫn chưa quên các câu lạc bộ ở đất nước đông dân nhất thế giới đã góp phần tạo nên một kỳ chuyển nhượng mùa hè điên rồ như thế nào, với những cái tên đình đám và những mức giá bom tấn không kém. Đó là những thương vụ như Alex Teixeira đến Jiangsu Suning với mức giá 50 triệu Euro, Jackson Martinez từ Porto chuyển đến Quảng Châu Evergrande với giá 31 triệu bảng, hay trước đó là thương vụ trị giá 25 triệu bảng đưa Ramires rời Chelsea đến Jiangsu Suning. Ngoài ra, hàng loạt các cầu thủ nổi danh khác như Graziano Pelle, Lavezzi, Gervinho hay Demba Ba,... Họ sẵn sàng từ bỏ bóng đá đỉnh cao ở Châu Âu để xách vali đến với Chinese Super League – giải vô địch quốc gia Trung Quốc. Đình đám hơn cả là việc tiền đạo Hulk sẵn sàng bỏ ngoài tai các lời mời gọi ở Anh để chuyển đến Thượng Hải SIPG với giá trị khổng lồ 46,1 triệu bảng. Dù những cầu thủ ấy có đưa ra bao nhiêu lý lẽ để giải thích cho những quyết định của mình thì ắt hẳn những người quan tâm đến thế giới bóng đá đều hiểu được lý do duy nhất cho hàng loạt vụ chuyển nhượng bom tấn và ồ ạt ấy chỉ đơn giản là bởi chữ "tiền" và chỉ tiền mà thôi.

Bản hợp đồng lên tới 46,1 triệu bảng giữa Hulk và Thượng Hải SIPG chính là thương vụ đình đám nhất trong hàng loạt các vụ chuyển nhượng "điên rồ" khác ở giải Chinese Super Leauge.
Ảnh: Trithuccongluan.vn.

Khi mà kỳ chuyển nhượng mùa đông năm nay sắp sửa chính thức mở cửa, Châu Âu không còn hoàn toàn là tâm điểm như thường lệ mà chính các câu lạc bộ Trung Quốc mới là nơi hứa hẹn nhiều vụ bom tấn hơn cả. Trước bối cảnh Messi vẫn còn đang lưỡng lự trong việc gia hạn hợp đồng với Barca thì câu lạc bộ Fortune Hồ Bắc Trung Hoa vẫn luôn ấp ủ tham vọng sẵn sàng chi trả 500 triệu Euro, cùng với mức lương 1,6 triệu bảng/1 tuần để chèo kéo chủ nhân năm Qủa bóng vàng thế giới. Bên cạnh đó còn có một phi vụ mà 99% sẽ được kích hoạt, khi tiền vệ chỉ mới 25 tuổi người Brazil là Oscar sẵn sàng đặt bút ký vào bản hợp đồng trị giá 60 triệu Euro để rời Chelsea và cập bến Thượng Hải SIPG, qua đó soán luôn ngôi ông hoàng lương bổng của Ronaldo với mức lương 400.000 bảng mỗi tuần.
Những vụ chuyển nhượng tưởng chừng chỉ có trong viễn tưởng như vậy khiến cho nhiều người trong cuộc hết sức bất bình. Huấn luyện viên Antonio Conte bày tỏ sự lo lắng trước sức mạnh tài chính và cách làm bóng đá “từ trên nóc” mà nền bóng đá đang trỗi dậy theo kiểu vung tiền vô tội vạ mà quốc gia Đông Á đã và đang thực hiện, ông phát biểu: “Thị trường bóng đá Trung Quốc là mối đe dọa cho tất cả các đội bóng trên thế giới, không chỉ riêng Chelsea. Mọi đội bóng tại Châu Âu hay Nam Mỹ lúc này rất khó khăn để giữ chân một cầu thủ trụ cột một khi anh ta được hứa hẹn những mức lương cao khủng khiếp từ Trung Quốc. Cả thế giới bóng đá hiện rất lo lắng!”. 
Còn cựu trung vệ của Liverpool - Jamie Carragher thì xem thương vụ Oscar như là một sự tủi hổ của bóng đá thế giới: “Với nguồn tài chính khổng lồ từ Trung Quốc, tôi có thể hiểu tại sao họ muốn giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao ở tuổi 30. Nhưng mới 25 thì lại là một vấn đề khác.Thật sự, tôi cảm thấy xấu hổ thay cho ai đó muốn từ bỏ cơ hội được chinh phục những danh hiệu cao quý để chạy theo đồng tiền khi mới từng ấy tuổi”.

Sau hàng loạt các tên tuổi khác, lần này đến lượt sao trẻ Oscar (bên trái) không thể kìm lòng trước lời đề nghị hấp dẫn từ các đại gia Trung Quốc.
Ảnh: Danviet.vn.

Những quan ngại trên là hoàn toàn dễ hiểu, bởi với những vụ mua bán như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến nền bóng đá thế giới và kế hoạch chuyển nhượng  cũng như là xây dựng đội hình của rất nhiều đội bóng. Không những vậy, với chính các câu lạc bộ và các cầu thủ nội ở giải Chinese Super League cũng đều bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi họ gần như không thể cạnh tranh một vị trí chính thức với những cầu thủ tên tuổi thế giới kia. Ngoài ra, với chính sách chuyển nhượng mà ngoài mục đích nâng tầm chất lượng đội bóng thì các ông chủ Trung Quốc còn muốn phô trương ngân sách và quan trọng hơn cả là có thể lấy lòng Chủ tịch Tập Cận Bình, một fan bóng đá thực thụ luôn muốn đưa nền bóng đá Trung Quốc trở thành siêu cường với những chính sách rất mạnh tay.

Thế nhưng, mọi thứ gần như đi ngược với tất cả những gì người Trung Quốc kỳ vọng, giải vô địch quốc gia của họ chỉ được truyền thông thế giới chú ý và nhắc đến bởi những vụ làm ăn “điên rồ” như trên, còn chất lượng thì vẫn chưa thấy đâu. Các cầu thủ nội mất dần đi chỗ đứng trên sân chứ chưa nói gì tới cơ hội cho những cầu thủ trẻ được thể hiện. Hệ lụy là đội tuyển quốc gia của họ hiện chỉ xếp hạng 84 thế giới và cứ mãi loay hoay mà vẫn chưa thể nào thoát ra cái bóng của các đội bóng Đông Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc và chiếc vé đến với World Cup có lẽ còn quá xa xỉ khi họ đang thi đấu khá bết bát ở vòng loại và xếp cuối cùng ở bảng đấu của mình với không có nổi một trận thắng.

Đội tuyển quốc gia Trung Quốc đang ngập sâu trong cơn khủng hoảng bởi các cầu thủ nội không có nhiều đất để "dụng võ" ở giải vô địch quốc gia.
Ảnh: Zing.vn.

Có lẽ, sẽ tốt hơn cho bóng đá thế giới và cho chính mộng xưng bá vương của nền bóng đá Trung Quốc nếu họ sớm dừng lại "cơn điên" mua sắm của mình. Còn với các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao trẻ như Oscar hay Teixeira, họ sẽ có thêm nhiều động lực để phấn đấu, phát triển sự nghiệp bằng tài năng của mình và có thể cống hiến nhiều hơn cho nền bóng đá thế giới, thay vì mải mê hưởng lạc và “tắm mình” trong những cơn mưa tiền kia khi mà họ chưa thật sự xứng đáng có được.  
 

Author: Đình Hiển

News day