Là "bạn đời" của nhau
Lạc Nhiên 09/07/2017 08:00 PM
“Bạn đời” có trong nó vừa là sự bình đẳng, chia sẻ, vừa là sự nhịn nhường, bao dung qua lại để duy trì một mối quan hệ mang tính gắn kết giữa hai con người, hai bản ngã, hai cá tính khác nhau.

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta thường gọi người chồng, người vợ của mình là “người bạn đời”. Bạn sẽ nghe nó bình dị, gần gũi thấu vào tim. Nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi lòng mình đã thấu hiểu ý nghĩa thật sự của nó chưa? Và chúng ta đã đối xử với người ấy đúng nghĩa một người bạn đời hay chưa?

Khi lựa chọn và gọi một ai đó là người bạn đời – người sẽ cùng mình chia sẻ tất cả mọi vui buồn, áp lực của cuộc sống này thì mọi sự việc xảy ra trong mối quan hệ được xác lập đó đã không còn là việc riêng tư và mọi quyết định không thể chỉ do ý kiến một người.

Ảnh:  Kgorz

Bởi từ “bạn” trong “bạn đời” có nghĩa là “bằng” trong “bằng hữu”. Thế nên ngay từ đầu nó đã nêu lên một mối quan hệ bình đẳng và ngang hàng với nhau. Không ai hơn kém ai. Không ai được áp đặt lên ai. Mọi điều nên được chia sẻ và thống nhất. Nếu không, đau khổ hay tổn thương trong gia đình thường sẽ do một bên lấn át bên còn lại và sự nhường nhịn chỉ luôn từ một phía sẽ tích tụ những oán giận trong lòng. Đó là một thứ ám khí gây ra sự tan vỡ, hạnh phúc đôi khi chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Chữ “đời” trong tiếng gọi thân thương ấy mang trong nó một ý nghĩa của sự gắn kết lâu dài. Không là tạm bợ mà là sống đời bên nhau. Không phải là “bạn bè” – vui thì kết, buồn thì tan, vui là bạn, buồn là bè. Chẳng phải khi còn vui thì còn quấn quít, lúc mất vui thì vội vã rời.

“Bạn đời” có trong nó vừa là sự bình đẳng, chia sẻ, vừa là sự nhịn nhường, bao dung qua lại để duy trì một mối quan hệ mang tính gắn kết giữa hai con người, hai bản ngã, hai cá tính khác nhau.

Ảnh: Olessya

Ở xã hội văn minh bây giờ, thế hệ chúng ta buộc phải nhìn nhận một vấn đề đa chiều hơn, sâu sắc hơn các thế hệ đi trước. Vì họ đã sai lầm khi đặt ra quá nhiều quan điểm mà sự hy sinh từ một phía, quá nhiều thứ khiến hôn nhân gần như là một gánh nặng cho phụ nữ, đặc biệt khi con cái ra đời.

Sự chia sẻ có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống hiện đại, nơi mà áp lực luôn đòi hỏi con người phải gồng mình mà chạy về phía trước. “Đàn ông kiếm tiền, đàn bà bếp núc, con cái. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… Chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng những điều ấy đã cổ hủ, trở thành định kiến vô nghĩa và chẳng còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa. Đặc biệt ngày nay, khi gánh nặng kinh tế chất chồng, phụ nữ cũng phải bươn chải ngoài xã hội để kiếm thêm tiền nhưng lại mặc định họ phải vun vén, chăm sóc nhà cửa, con cái trong khi thời gian mỗi ngày của con người là bằng nhau. Đây là thành quả của việc kêu gọi bảo vệ và trân trọng phái yếu ư?

Ảnh: RondellMelling

Có thể chúng ta sẽ đặt lên bàn cân mà so sánh văn hóa phương Đông với phương Tây, ca ngợi những giá trị truyền thống, ca ngợi đức hy sinh của phụ nữ phương Đông… Chúng ta ngợi ca để rồi tiếp tục hướng phụ nữ đến sự hy sinh – nơi mà sự tôn trọng đôi khi chẳng có. Tất cả những điều đó chỉ để biện minh, bao che cho một quan điểm thất bại về ý nghĩa của hôn nhân – gia đình. Bởi không ai có quyền làm chủ nhân của người kia trong hôn nhân cả.   

Hai tiếng “bạn đời” có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nó không chỉ xác lập mối quan hệ của hai người đơn lẻ mà còn là một sự nhắc nhở đến vị trí và trách nhiệm bình đẳng của mỗi người trong quan hệ gia đình. Chúng ta yêu thương nhau mới hướng đến hôn nhân. Vậy thì trên nền tảng của yêu thương hãy nghĩ đến một cuộc sống đúng nghĩa với cách chúng ta gọi nhau là “bạn đời”. Cam kết và ngầm hiểu với nhau ý nghĩa của một mối quan hệ, nơi mà sự bình đẳng và gắn kết làm trọng tâm.  

Author: Lạc Nhiên

News day