Mười chín tuổi, chẳng hiểu nổi!
Có người đã nói với tôi, cứ đến cái tuổi đó đi, rồi cậu sẽ biết cái đầu cậu chứa bao nhiêu dây nơ - ron vô dụng. Và giờ thì tôi thấm thía rồi! Cái tuổi chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng dài chẳng ngắn, tôi chưa kịp quay trái quay phải thì đã đi qua bao nhiêu suy tính vụn vặt. Tính đấy rồi để đấy, có bao giờ chịu lết khỏi giường đâu. Thế mà cứ thích bày vẽ!
Tôi là một du học sinh. Thoạt nghe thì thấy đây là một khái niệm rất đáng tò mò. Nhưng thực tế thì ba chữ du-học-sinh cũng không thể cứu nổi một ngày đơn giản đến tẻ nhạt của tôi. Đến giảng đường rồi về kí túc xá, đùa giỡn đã đời rồi trùm chăn nằm trằn trọc đến khuya. Mặc may những ngày cuối tuần tôi sẽ rời kí túc xá và đi mua sắm cùng những cô bạn đồng hương người Việt. Nhưng lắm khi nhìn lại lối sống của mình khiến tôi âu sầu không ít. Riết rồi tôi cầu mong có cái gì đó vui vui một chút, đến đập vào người để tôi bớt nghĩ lung tung.
Và rồi, “cái gì đó vui vui” ấy xuất hiện. Vào một buổi sáng đẹp trời, như mọi ngày.
Ngày tôi gặp anh ấy là một ngày đầu hè ở Hawaii. Tôi nhớ rõ ràng khi đó, Minh mặc chiếc áo khoác gió màu vàng cổ dựng cao, nằm úp mặt xuống bàn. Ấn tượng ban đầu của tôi về Minh vì vậy mà không mấy tốt đẹp, nói đúng ra thì tôi ái ngại việc phải dây vào người như anh ấy.
- Em đấy! Gọi cậu ta dậy!
Người giáo viên bản địa chỉ thẳng vào tôi với cặp mắt khó chịu. Tôi không chắc ông ấy khó chịu vì vẻ lưỡng lự của tôi hay vì thái độ bất cần của người đang ngủ kia. Hoặc có thể là cả hai.
Lớp học bỗng chốc yên ắng, toàn bộ đều dõi về phía chúng tôi. Tôi có thể nghe thấy rõ ràng tiếng thở nhè nhẹ của Minh lẫn trong tiếng máy lạnh rì rì.
- Hey. Hey.
Tôi chồm lên, vỗ hai phát nhẹ vào lưng Minh. Người anh ấy giật lên rồi Minh vươn vai ngồi thẳng dậy.
- Cái quái gì?
Tôi nhận ra Minh là người Việt. Cảm giác lúc đó, không biết nên vui mừng hay nên tỏ ra dửng dưng. Là một du học sinh, lại tìm được người đồng hương ở lớp học mới, đáng lý tôi nên tay bắt mặt mừng, nhưng sao lòng tôi chứ nhộn nhạo đủ bề.
Minh bị giáo viên gọi đứng dậy rồi quở phạt hai ba câu, cảnh tượng y hệt ở lớp học cấp ba thường thấy. Trước khi đến đây tôi được nhiều du học sinh kể lại rằng, sinh viên người Việt không nhiều nhưng học rất tốt, lại được cái tính hiền lành chăm chỉ nên rất được lòng mọi người. Ngẫm lại, chắc là họ chưa gặp anh ấy - một bản thể đầy rối loạn.
Lúc đó, tôi đã biết một điều rằng, nếu chen chân vào cuộc đời đủ loại vòng xoáy của anh ấy, nhất định tôi sẽ đau đầu chóng mặt không ít. Ấy thế mà… tôi vẫn lao vào.
Cuối buổi học, tôi không ngờ Minh chủ động gọi tôi.
- Này. Cô!
Lúc đầu tôi còn ngỡ anh ấy định tính sổ chuyện trong lớp nhưng Minh bất ngờ hỏi:
- Cô là người Việt phải không?
- Sao anh biết?
Minh khoanh tay trước ngực, lưng tựa vào cạnh bàn, dáng đứng bắt chéo chân.
- Trực giác thôi. Cô bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười chín.
Minh ưỡn ngực cao thêm chút, miệng cười rộng thêm chút, để lộ hai chiếc răng cửa hơi đưa ra trước.
- Nhóc con gọi bằng anh nhá. Mà này, em có chỗ ở chưa?
Tôi buồn cười kiểu gọi “nhóc con” của anh ấy. Trước nay ít ai gọi tôi như thế, nhưng tôi không phủ nhận rằng tôi chẳng ghét kiểu gọi này. Tôi bước đến gần anh ấy thêm một bước và lịch sự đáp lại:
- Em đang ở kí túc xá.
- Nhưng anh nghe bảo sắp đến kỳ nhập học mới thì kí túc xá bắt phải đăng kí lại, thủ tục rườm rà lắm.
Tôi bắt đầu có trực giác về tương lai rồi. Mà lúc đó, đáng lí ra tôi nên từ chối nói chuyện với anh ấy mới đúng.
- Em cũng chưa biết ạ. Cũng tính dọn ra ở trọ nhưng không tìm được ai.
Ngay lúc tôi vừa nói hết câu, Minh đã vỗ cái bốp rồi hồ hởi bảo:
- Bạn của anh cũng là người Việt, đương nhiên là con gái. Nó đang tìm người ở ghép, em có muốn sang không?
Tôi bặm môi suy nghĩ một lúc rồi ngẩng lên hỏi:
- Tiền thuê nhà thì sao ạ?
Minh đưa ra một cái giá khá phải chăng.
Tôi không biết lúc đấy trong đầu tôi nghĩ gì. Rõ ràng tôi chẳng phải một đứa con gái tùy tiện đến nỗi đồng ý nhận lời đến sống sát vách một cậu con trai lạ huơ lạ hoắc, nhưng thời điểm đó, tôi đã nói rồi, tôi muốn phá vỡ cuộc sống nhàm chán hiện tại của mình.
Hoặc là tôi đang cố ngụy biện cho bản thân vì lí do nào đó. Thế là tôi đáp, rất bình thản:
- Vậy thì được ạ.
Sau đó, tôi liền gọi điện cho ba mẹ để vui mừng thông báo, con đã kiếm được chỗ thuê nhà rẻ, à còn có thêm người bạn đồng hương.
Căn phòng mới của tôi tuy không quá lớn nhưng ở hai người thì còn dư. Minh ở ngay phòng bên cạnh còn cô bạn sống cùng với tôi thì chẳng thấy mặt mũi đâu. Minh bảo, cô ấy đi làm thêm tối ngày, đến khuya thật khuya mới về. Có hôm còn ngủ lại chỗ làm luôn, nên phòng ốc cứ để trống như nhà hoang ấy.
Hôm dọn nhà, cũng chỉ mình Minh khệ nệ đồ đạc lên cầu thang giúp tôi. Lúc chúng tôi ngồi oặt xuống nền nhà và thi nhau thở hồng hộc, Minh vừa giật cổ áo vừa nói:
- Qua bên nhà anh uống nước đi, bên đây nóng quá.
Tôi quay sang nhìn anh ấy.
- Haha, không có ý đồ gì đâu nhóc con.
Tôi lại hỏi:
- Sao anh tốt với em thế nhỉ?
Minh suy nghĩ một lúc rồi hỏi tôi:
- Em muốn nghe nói thật hay nói đùa?
- Nói đùa trước đi ạ.
Thế là anh ấy nhún vai, bâng quơ bảo:
- Anh rảnh rỗi nên thích lo chuyện bao đồng thôi.
- Còn nói thật ạ?
- Vì anh ít bạn.
Tôi nhìn nụ cười của anh, nhìn những giọt mồ hôi rịn bên thái dương, nhìn ống tay áo xắn cao quá khuỷu tay một cách cẩu thả, rồi nhìn cho đến gương mặt thoáng chút buồn bã, thoáng chút bồi hồi của anh. Từng tuyến phòng ngự lẫn cảnh giác của tôi, ngay lúc đó, đã đổ xuống hơn một nửa.
Tôi gật đầu.
Anh mỉm cười và đứng dậy trước, sau đó đưa tay xuống cho tôi làm điểm tựa mà đứng lên.
Anh chàng này khá tốt tính, dễ thương, chỉ có cái nói chuyện hơi cộc lốc. Tôi đã nghĩ vậy cho đến khi bước vào căn phòng của anh.
Minh là người rất bừa bộn, cái tính đó thì không khó đoán chút nào. Vừa bước vào cửa tôi đã đạp phải vỏ lon rỗng. Rồi thì cảm giác nhớp nháp dưới chân lập tức làm tôi rụt về. Trên ghế salon, vỏ bánh snack, áo quần và chén dĩa nằm chồng chất lên nhau. Giường ngủ cũng chẳng khá hơn, mùng mền, chiếu gối rồi cả sách vở định cư chung chỗ với mớ truyện tranh đọc dở. Nhà vệ sinh thì tôi chẳng dám bước vào.
Cuối cùng, tiếng thở dài đang kìm nén cũng phải bật ra.
- Anh ở hơi bẩn tí. – Anh gãi gãi đầu nói.
Là rất bẩn đó, anh hai à.
Minh đề nghị chúng tôi nên mở tiệc mừng tôi về nhà mới.
- Nhà dơ như vầy thì ngồi đâu ăn hả anh?
Anh liếc ngang liếc dọc một hồi rồi nói:
- Thôi ra ngoài ăn.
Đó hoàn toàn không phải câu trả lời tôi muốn, nhưng nhìn điệu bộ gấp gáp ra ngoài của anh ấy thì đành phải xuôi theo.
Thêm chuyện này nữa, anh ấy không biết nấu ăn nên thường xuyên mua đồ ăn nhanh bên ngoài. Tôi hỏi anh, cứ ăn McDonald’s mãi mà anh sống được à? Minh cười đáp, anh vẫn sống nhăn răng đấy thôi, về già thì không biết mớ dầu mỡ này có gây “hậu họa” gì không nhưng hiện tại thì vẫn chưa. Cuối cùng tôi đành phải bỏ thời gian chỉ anh ấy vài món đơn giản.
Tôi dần quen thân với Minh hơn. Những buổi chiều cùng đi thư viện, anh ấy ngủ, còn tôi thì đọc sách. Tối về, nếu còn sớm, chúng tôi dạo loanh quanh bờ hồ, đi đến khi mỏi chân thì ngồi nghỉ ở những băng ghế ghỗ mộc hai bên đường, nói vu vơ vài câu về buổi học hôm nay hay chuyện trong nhà ngoài ngõ, về bà Alex khó chịu nhà kế bên hay ông giảng viên người Đức thích bắt bẻ.
Tôi nghĩ mối quan hệ của chúng tôi khá tốt đẹp. Trong số những người bạn đồng hương của tôi thì Minh là người tôi tâm sự nhiều nhất. Hòa hợp tốt như vậy, đến bản thân tôi cũng bất ngờ.
Nhưng hòa hợp là một chuyện, bất đồng quan điểm lại là một chuyện khác.
Tính của Minh còn rất trẻ con, đụng tí là gân cổ lên cãi, cãi không thắng thì nổi giận chửi thề rồi bỏ ra ngoài. Lúc đầu, tôi không bao giờ có ý định chạy theo anh ấy để can ngăn hay lang thang tìm kiếm như trong phim, tôi để mặc Minh làm gì thì làm. Nhưng qua vài lần cãi vã thì lần nào tôi cũng phải xuống nước năn nỉ anh ấy.
Có một lần, Minh giận chuyện tôi đi làm thêm quá sức, hai chúng tôi cãi nhau ỏm tỏi. Rốt cuộc ông anh đó bỏ nhà đi. Lần đó Minh bỏ đi lâu nhất, đến quá hai giờ sáng mới về. Tôi cũng chẳng thể ngủ yên được, cứ ngồi chỗ cầu thang đợi anh ấy. Lúc nghe tiếng dép của Minh tôi mới thở dài rồi bước về phòng.
- Này, em.
Tôi quay lại ngay. Nghĩ cũng mắc cười, đối với ông anh này cơ thể tôi phản ứng rất nhanh.
- Dạ?
Giọng anh nghe có chút mệt mỏi, à không, đúng hơn là lo lắng. Có thể là cả hai.
- Đi làm thì được nhưng đừng có làm quá biết chưa. Người gầy rộp như que củi mà còn… Có biết chưa?
Tôi gật đầu nhẹ rồi mỉm cười nói:
- Anh đi tắm đi, người ngợm dơ lắm rồi.
- Tắm? Giờ này á hả? Thôi bỏ đi.
Tôi nhìn đồng hồ và nhận ra mình vừa quên béng chuyện đã hơn hai giờ sáng rồi.
Trận cãi vả lẫn cuộc đối thoại của chúng tôi kết thúc bằng tràng cười phá lên.
Cuộc sống của chúng tôi dần trôi vào quỹ đạo, trừ chuyện Minh bị trường đuổi học. Với cái tính dở dở ương ương, lối sống tùy tiện và chẳng có tí hứng thú học hành nào, anh ấy bị đuổi là chuyện không sớm thì muộn thôi.
- Ụa, mục đích anh đến đây là gì vậy?
- Đi học chứ làm gì.
- Vậy giờ thì sao?
Minh nhìn tôi chằm chằm rồi lại to tiếng. Anh ấy nói tôi giỏi chọc tức anh ấy nhưng rõ ràng thì tôi đâu có nói gì sai.
Lát sau, lúc tôi đang đứng rửa bát thì nghe giọng anh ấy đều đều sau lưng. Minh nói muốn làm nhạc sĩ còn công việc kinh doanh gì đó, anh ấy không thích. Tôi nghe xong chỉ ừm một tiếng rồi thôi.
Từ lúc nghỉ học, Minh đâm ra rảnh rỗi. Mỗi sáng tôi gọi điện thoại để đánh thức anh ấy dậy chở tôi đi học, rồi Minh sẽ đi lang thang đâu đó tìm cảm hứng hoặc về nhà đọc truyện, cày game, đến giờ lại đón tôi về. Minh xem chuyện đó là chuyện rất đáng tự hào, rất đáng để lên mặt với tôi.
- Anh không đi học nhưng lại đưa đón em đi học, không phải anh rất tốt hay sao?
Thiệt hết nói nổi ông anh này.
Quãng thời gian sống ở Hawaii không quá ngắn nhưng tôi chẳng thể quen thân quá với ai. Một là do tôi thuộc dạng người khó kết bạn, tính lại hơi lạnh lùng. Hai là do tôi cũng lười, cứ ỷ lại, chẳng phải tôi đã có Minh rồi hay sao. Bên cạnh Minh tôi như đứa nhóc được bảo vệ tuyệt đối, riết rồi đâm ra cái tính hay dựa dẫm vào anh ấy. Cho đến lúc buộc phải xa nhau thì cảm giác sợ hãi cứ ngày một dâng lên trong tôi.
Chúng tôi, à không, nói chính xác là chỉ mình tôi thôi, sau khi kết thúc khóa học ở Hawaii thì phải về lại Việt Nam. Tôi đã suy nghĩ rất lâu, nên nói cho Minh biết chuyện đó vào lúc nào thì hợp lí. Lưỡng lự mãi đến tận lúc bằng tốt nghiệp đã cầm trên tay mất rồi.
- Em tính chừng nào về lại Việt Nam? – Anh hỏi lúc chúng tôi đang cùng nhau dùng món salad trộn anh mới học được.
- Chắc tầm tuần sau ạ.
- Sớm thế à?
Tôi nghe giọng Minh kéo thật dài.
- Dạ. Còn anh?
- Anh không biết.
Tối đó tôi ngủ không được, có gì đó cứ đè nặng trong tim và khiến tôi ray rứt chẳng yên. Cảm giác xa Minh làm tôi khó chịu đến không thể làm gì được, tôi đã quá quen với cuộc sống này rồi. Quen với cuộc sống có Minh bên cạnh.
Ngày tôi bay, Minh chở tôi đến sân bay nhưng lại bảo phải về sớm vì có việc. Tôi thất vọng ra mặt và không ngừng tìm cách giữ anh ấy. Tôi dùng dằng mãi làm anh ấy nổi cơn điên, mắng một câu thật dài rồi bỏ đi luôn.
- Đưa em đến rồi em còn đòi hỏi gì nữa. Đứng thêm chút nữa thì em sẽ ở lại với anh chắc? Anh ghét em lắm, nhóc con!
Tôi đứng thần người ra. Tôi nhìn theo bóng anh ấy khuất dần trong biển người, trái tim cứ đập thình thịch còn cả người thì nóng ran. Tấm vé máy bay trên tay không biết từ khi nào đã rơi xuống mặt đất.
Cuối cùng tôi quyết định chạy ngược về. Bắt một chuyến taxi mà không ngừng thúc giục bác tài, nhanh lên một chút, nhanh lên một chút nữa. Đến lúc xuống xe thì đưa đại mấy tờ đô trong túi mà chẳng thèm đếm.
Phòng anh không khóa cửa, thế là tôi vội vàng chạy vào trong rồi lớn tiếng gọi:
- Anh Minh! Anh Minh! Em về rồi.
Minh từ trong phòng ngủ chạy vụt ra, nhìn thấy tôi thì mắt đỏ hoe cả lên.
Tôi cười.
- Anh khóc rồi hả?
Minh chạy tới ôm chầm lấy tôi, siết chặt đến mức làm tôi nghẹt thở.
- Nhóc con. Nhóc con. Nhóc con.
Anh ấy cứ gọi như thế mãi, gọi mãi đến khi chán chê mỏi mệt thì thôi. Tôi để mặc anh ấy làm trò trẻ con của mình, bản thân thì vòng tay ôm lấy anh ấy. Dựa dẫm vào Minh đã là thói quen xấu của tôi mất rồi.
Mười chín tuổi, tôi không chắc thứ nằm giữa chúng tôi là gì. Bạn bè thì đúng nhưng chưa đủ, nói trắng ra thì chúng tôi đã qua khỏi mốc bạn bè rồi. Chẳng có bạn bè nào lại nắm tay đi dạo cùng nhau rồi thỉnh thoảng lại hôn trộm vào má. Nhưng tình nhân… đây là cả một con đường dài phía trước.
Trên đường về, tôi đã suy nghĩ về câu hỏi đó rất nhiều. Nhưng giờ thì tôi chẳng mấy quan tâm nữa, tôi đang lo lắng nên giải thích với ba mẹ mình thế nào đây.
Tôi cảm thấy vòng tay của mình mỗi lúc lại chặt hơn một chút. Tôi mỉm cười và tựa vào vai anh.
Ồ.
Sao cũng được, miễn là bây giờ tôi có anh ấy bên cạnh.
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX