'Bài tình ca của em', mượn chuyện XƯA để nói chuyện NAY!
Vân Anh (Tổng hợp) 04/04/2018 08:30 AM
'Bài tình ca của em' - nhạc phẩm của nữ nhạc sĩ Diệu Hương, được nam ca sĩ Don Hồ trình diễn trong Paris By Night 71 - 20th Anniversary (2003).

Bài tình ca của em có lẽ được xem là bài hát gắn bó với chuỗi chương trình Paris By Night cũng như những số kỉ niệm của chương trình. Xem và ngẫm từng lời, từng chữ trong bài hát sao mà thấy quá giống với Thúy Nga, nhất là trong những ngày này:

"Khi người nghệ sĩ cất tiếng hát trên niềm đắng cay 
Trên bờ môi kia vẫn thấp thoáng nỗi đau thương đầy..."

Ảnh: Hội những người yêu thích Thuý Nga - Paris By Night

Bài hát được dàn dựng với một concept cực kì nghệ thuật, để nói đến một biến cố lớn của người Việt tỵ nạn - là chuyện vượt biển tìm tự do. Nhưng với Thúy Nga, không thể lúc nào cũng dựng hình ảnh của hàng vạn người ra đi, mà lần này chỉ dùng một cá nhân lênh đênh trên biển, rồi sau khi đã đến bến bờ nhìn lại quê hương xa xăm bên kia bờ đại dương...

"Bài tình ca của em 
lạc loài đi trên đất khách xa xăm..."

Cá nhân đó chính là những người nghệ sĩ, là trung tâm Thúy Nga. Có thể thấy dụng ý của nhạc cảnh này trong chương trình kỷ niệm Paris By Night đã thể hiện rằng họ không bao giờ quên nguồn gốc của mình, là những người tỵ nạn, vì biến cố đó mới có được thương hiệu lớn lao - Paris By Night. Và từ nguồn gốc đó, những người yêu nghệ thuật đã gầy dựng nên một công trình nghệ thuật vĩ đại nơi xứ người, với năm 2003 là 20 năm, nhưng đến nay đã là 35 năm rồi, họ đã thành công với sứ mệnh "mang cả dòng sông, bỗng phút chốc đã quay về nguồn".

Nếu muốn dựng một nhạc cảnh về vượt biển, trung tâm nào cũng có thể làm được, nhưng nếu biến những sự kiện đó thành một tác phẩm nghệ thuật như bài hát này chỉ có thể tìm thấy trên sân khấu Thúy Nga. Đó chính là lý do vì sao những sản phẩm của Thúy Nga luôn được đông đảo người Việt hải ngoại lẫn trong nước ưa chuộng hàng đầu, họ là những "người nghệ sĩ cất tiếng hát, hát lên từ trái tim". 35 năm chỉ biết hoạt động vì nghệ thuật, gìn giữ văn hóa Việt Nam nơi xứ người, không nuôi dưỡng hận thù, không cạnh tranh ích kỷ. Những khán giả trung thành, yêu nghệ thuật chân chính, chỉ cần nhìn vào những công trình nghệ thuật 35 năm qua sẽ thấy được đâu là giá trị đích thực, những thế lực luôn chực chờ cơ hội "mượn chuyện chính trị để trả thù riêng" có âm mưu xấu xa không thể phá được thành trì văn hóa của Thúy Nga, có chăng cái mà họ đạt được chỉ là thể hiện sự thất bại, thua kém trong kinh doanh mà thôi.

Ảnh: Hội những người yêu thích Thuý Nga - Paris By Night

Xin mượn câu kết của Bài tình ca của em, có vẻ như đó chính là hình ảnh phản chiếu tinh tế của Thúy Nga - Paris By Night:

"riêng người nghệ sĩ
vẫn còn đi trong kiếp Tha Hương..."

 

Theo: Hội những người yêu thích Thuý Nga - Paris By Night

Author: Vân Anh (Tổng hợp)

News day