Thêm một người Mỹ chết vì vi khuẩn ăn thịt người sau bão Harvey
Ruby 10/27/2017 07:00 AM
Thêm một người đàn ông ở bang Texas tử vong bởi cơn bão Harvey sau khi bị "vi khuẩn ăn thịt người" có trong nước lũ tấn công cơ thể qua vết thương hở.

CNN ngày 25/10 đưa tin một người đàn ông 31 tuổi ở bang Texas, đã thiệt mạng hồi tuần trước sau khi bị chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ăn thịt người khiến ông này bị viêm cân mạc hoại tử, dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn.

Nạn nhân là ông Josua Zurita, từng giúp đỡ người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Harvey sửa chữa nhà cửa sau lũ lụt ở hạt Galveston, bang Texas. Ông này đến bệnh viện ngày 10/10 sau khi tay trái bị nhiễm trùng nghiêm trọng và qua đời 6 ngày sau đó, bệnh viện hạt Galveston cho biết.

Bão Harvey gây lụt kinh hoàng tại Mỹ. Ảnh: Getty

Đây là nạn nhân thứ hai tử vong do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau trận lụt lịch sử do bão Harvey. Trước đó, một cụ bà 77 tuổi mang tên Nancy Reed cũng bị nhiễm vi khuẩn này và qua đời hồi tháng 9. 

"Dường như nạn nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn có trong đống đổ nát và nước lũ sau bão Harvey xâm nhập cơ thể qua vết thương hở", bác sĩ Philip Keiser, một chuyên gia về bệnh nhiễm trùng làm việc tại bệnh viện hạt Galveston, cho biết.

Bà Reed không phải là trường hợp đầu tiên nhiễm vi khuẩn ăn thịt người từ nước lũ do bão Harvey. Trước đó, J.K.Atkins, lính cứu hỏa ở thành phố Missouri (Mỹ) bị rệp cắn khi đang lội giữa dòng nước lũ để kiểm tra tình hình. Khác với hai nạn nhân trên, ông may mắn sống sót nhờ phát hiện và điều trị kịp thời.

"Chúng tôi bất ngờ vì ba trường hợp này, nhưng sau khi tiếp xúc với những công trình và người bị thương mà bị nhiễm khuẩn thì không quá bất ngờ...", bác sĩ Philip Keiser nói. 

Ông cho biết nhiều loại vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể người, lan nhanh qua vết thương hở gây nhiễm trùng và có thể gây ra viêm cân mạc hoại tử. 

Một người phụ nữ lấy mẫu nước trong trận lũ lụt do bão Harvey ở bang Texas hồi tháng 9. Ảnh: NYT

"Khi nó lan nhanh, nó sẽ xâm nhập vào khoảng giữa cơ bắp và da, giết chết dây thần kinh và mạch máu", bác sĩ Keiser nói. "Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng vết thương sẽ phát triển chậm. Với viêm cân mạc hoại tử, tốc độ lây lan chỉ qua một vài giờ. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được điều trị càng sớm càng tốt". 

Các triệu chứng bệnh ban đầu gồm nóng đỏ, sưng, có màu đỏ hoặc tím ở vùng sưng. Viêm cân mạc khác với nhiễm trùng thông thường ở chỗ tốc độ lây lan nhanh của vi khuẩn. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được tiêm kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, trong khi kháng sinh đang đi vào cơ thể, vi khuẩn ăn thịt người vẫn có thể lan ra các khu vực khác. Vì vậy, bệnh nhân phải được phẫu thuật ngay để loại bỏ các mô bị nhiễm khuẩn. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh tình sẽ trở nặng dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, từ năm 2010, khoảng 700 đến 1.100 ca diễn ra mỗi năm trên toàn nước Mỹ.

Vi khuẩn xâm nhập vào mô mền và lan đi khắp cơ thể. Ảnh: aFamily

Trước đó, bão Harvey, cơn bão mạnh nhất Mỹ phải hứng chịu trong 12 năm qua, kể từ siêu bão Charley năm 2004, đổ bộ vào bang Texas của Mỹ hồi cuối tháng 8, cướp đi sinh mạng của 60 người, khiến 1 triệu người phải rời nhà cửa, phá hủy khoảng 200.000 ngôi nhà. Thống đốc bang Texas nói cơn bão tồi tệ nhất tấn công bang này trong vòng 50 năm đã gây thiệt hại lên tới 180 tỷ USD, con số cao hơn cả thảm họa do bão Katrina gây ra năm 2005 (120 tỷ USD).

Author: Ruby

News day