New York Times: Dọn vỉa hè đe dọa ẩm thực đường phố Đông Nam Á
Sưu tầm 05/02/2017 10:30 AM
Chiến dịch dọn dẹp vỉa hè ở 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia khiến nhiều người lo ngại về sự biến mất của nền ẩm thực đường phố đa dạng.

Dù đang bận chiên đậu phụ, chị Nguyen Thu Hong vẫn để ý nghe ngóng còi báo động từ xe tuần tra của lực lượng trật tự. Theo bà chủ hàng bún đậu mắm tôm vỉa hè này, chiến dịch tăng cường kiểm tra những người buôn bán ven đường kể từ tháng 3. Chị Hong từng bị bắt một lần và phải nộp tiền phạt khoảng 200.000 đồng, bằng tiền lãi của 2 ngày bán.

"Nhiều người Việt sinh sống nhờ vỉa hè nên anh không thể đến tước đoạt chỗ mưu sinh của họ. Ban hành nhiều luật lệ cũng tốt thôi, nhưng họ đang làm quá, cứng nhắc quá", chị Hong nói trên New York Times.

Hàng bún đậu mắm tôm của chị Nguyen Thu Hong ở Hà Nội. Ảnh: NYT

Ba nước cùng 'ra quân'

Một trong những điểm nổi tiếng ở Đông Nam Á chính là văn hóa ẩm thực đường phố. Nó không chỉ hấp dẫn du khách ngoại quốc mà cả người dân bản địa, bằng những gỏi đu đủ cay ở Bangkok (som tam) hay bánh xèo ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM).

Tuy nhiên, những thành phố lớn ở các nước gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang tăng cường dọn sạch vỉa hè, khiến hàng nghìn người buôn bán phải lẩn trốn, đe dọa kết thúc một nền văn hóa ẩm thực.

Nhà chức trách ở 3 nước trên khẳng định các biện pháp này nhằm củng cố trật tự công cộng và an toàn thực phẩm.

Ở Bangkok, chính quyền ra quân ở những tụ điểm mà người đi bộ phàn nàn là rác quá nhiều, vỉa hè bị chật cứng đến mức không thể đi được, trong khi chuột bọ bò lúc nhúc. Do vậy, nhà chức trách đã khoanh vùng một số địa điểm nhất định để lập lại trật tự và vệ sinh.

Một quầy hàng rong ở Bangkok. Ảnh: Bangkok.com

"Bangkok chưa từng quá đông và tắc nghẽn như vậy khi đạo luật quản lý buôn bán ở vỉa hè có hiệu lực từ năm 1992. Nhưng giờ chúng tôi phải tổ chức và bố trí lại việc sử dụng không gian công cộng này", Vallop Suwandee, chủ tịch nhóm cố vấn của thống đốc Bangkok, nói.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, Bangkok hiện có chưa tới 11.000 người buôn bán ở vỉa hè hợp pháp. Con số này chỉ bằng khoảng một nửa so với hai năm trước đây.

Ở Hà Nội và Tp.HCM, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè thu hút sự chú ý rộng rãi của các cơ quan thông tấn trong nước, đồng thời dấy lên tranh luận về cách quản lý buôn bán ở vỉa hè.

Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, chính quyền buộc những người bán hàng rong không thể tiếp tục làm việc, hoặc yêu cầu họ đóng hàng nghìn USD mỗi năm gọi là "phí vệ sinh và an ninh". Tuy nhiên, khoản tiền này không phải là điều kiện hợp pháp để được buôn bán ở vỉa hè.

Kể từ năm 2015, 17.000 người đã di chuyển từ vỉa hè đến các địa điểm được quy hoạch, trong khi khoảng 60.000 người khác vẫn tiếp tục bán ở bất kỳ nơi nào có thể.

Ẩm thực vỉa hè - bản sắc địa phương 

Nhiều ý kiến lo ngại rằng nỗ lực bảo vệ vỉa hè có thể khiến những thành phố này đánh mất bản sắc địa phương.

Ăn uống ở vỉa hè từ lâu đã là nét phổ biến ở Đông Nam Á, ngay cả trước khi khu vực này nổi tiếng toàn thế giới và thu hút sự quan tâm của những đầu bếp nổi tiếng như Anthony Bourdain.

Bát bánh đa cua ở quán vỉa hè tại Hà Nội. Ảnh: NYT

Ngay cả thời nay, khi hàng triệu người bắt đầu quen với việc thưởng thức pizza hay bánh mì hamburger trong những cửa hàng luôn gắn điều hòa, những quầy hàng rong ven đường vẫn có sức hút với tất cả thực khách dù ở tầng lớp nào. Đã không còn là lạ khi những chiếc ôtô cao cấp dừng trên đường để mua món hào tráng trứng (hoi tod) ở Thái Lan hay ghé ăn hủ tiếu ở Việt Nam với giá chưa bằng một cái hamburger.

"Một số người đã bán ở vỉa hè hơn 10 năm hoặc thậm chí 20 năm. Tôi nghĩ rằng thậm chí họ đã nấu nướng cho cả gia đình tôi", Piya Joemjuttitham, một chuyên viên tài chính, nói khi anh đang mua ly sinh tố xoài ở gần khu đường trung tâm Bangkok.

Một số đầu bếp vỉa hè nổi tiếng đến mức nhiều người sẵn sàng xếp thành hàng dài để chờ thưởng thức tô bún chả ngon nhất ở Việt Nam hay đĩa cơm gà (khao man gai) ở Thái Lan.

"Được trở về Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài là niềm hạnh phúc, nhưng rất ít thứ có thể so sánh được với cảm giác ăn tô bún chả ở vỉa hè Hà Nội", anh Nguyen Qui Duc, một Việt kiều từ Mỹ, chia sẻ.

Hình mẫu Singapore

Nhiều người lo ngại các tụ điểm ẩm thực đường phố sau cùng cũng sẽ trở thành những khu bán thức ăn luôn sạch sẽ như Singapore. Trung tâm tài chính của khu vực bắt đầu đưa việc buôn bán vỉa hè vào khuôn khổ, qua việc thành lập những khu phố ẩm thực hay "trung tâm hàng rong" có quản lý kể từ thập niên 1960.

Peter Sousa Hoejskov, chuyên gia về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Philippines, nói Singapore là hình mẫu lý tưởng trong khu vực để các nước học hỏi về giải quyết kết hợp vấn đề buôn bán vỉa hè và dịch tễ.

Người dân tận dụng vỉa hè trước nhà để buôn bán ở Hà Nội. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, nhiều người nói cái giá phải trả chính là bầu không khí. "Điều bạn đánh mất chính là văn hóa năng động vốn đã gắn bó từ thời ấu thơ", Cindy Gan, blogger về ẩm thực ở Singapore, nói.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng chưa chắc ẩm thực đường phố đã kém vệ sinh hơn các món ăn trong nhà hàng. "Nếu bạn ăn thức ăn được nấu chín thì sự khác biệt có thể không lớn", Martyn Kirk, chuyên gia về dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Australia, nói.

WHO và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) đang cùng phát triển bộ quy tắc hành xử dành riêng cho đối tượng buôn bán hàng rong ở châu Á, hướng dẫn họ các thao tác vệ sinh cũng như những định hướng để chính phủ có thể quản lý nền kinh tế vỉa hè.

Một số chuyên gia khác thì chỉ trích chiến dịch dọn dẹp vỉa hè tại nước của họ, cho rằng nó còn lâu mới có thể sánh bằng nỗ lực của Singapore vì tầm nhìn ngắn và việc gạt người nghèo sang một bên.

"Các kế hoạch này luôn được công bố từ những người chẳng bao giờ phải lo nghĩ về bữa ăn trưa. Điều này khiến các chiến dịch khó mà trụ lâu dài, cho đến khi chúng ta đạt được quan điểm thống nhất như ở Singapore và Hong Kong", John Walsh, giáo sư về quản trị kinh doanh của Đại học Shinawatra ở Bangkok, nói.

Theo: Minh Anh/News Zing

Author: Sưu tầm

News day