Lãnh đạo phe ly khai ở miền Đông Ukraine thiệt mạng vì bom
Ngọc Hà/ Zingnew 09/02/2018 04:30 PM
Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) ở miền Đông Ukraine, thiệt mạng sau khi một quả bom được cài trong xe gần quán cà phê phát nổ.

Guardian đưa tin hôm 31/8, cơ quan thông tấn chính thức của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) xác nhận lãnh đạo Alexander Zakharchenko đã chết trong vụ nổ ở Donetsk. Ngoài ra, Alexander Timofeev, người tự xưng là "bộ trưởng tài chính DPR", bị thương.

Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR). Ảnh: AP

Theo truyền thông Ukraine, quả bom được đặt trong xe đỗ gần quán cà phê Separ tại trung tâm Donetsk. Địa điểm này cũng cách dinh thự của ông Zakharchenko không xa.

“Những kẻ phá hoại và những người có liên quan đều đã bị bắt vì tình nghi tham gia vào vụ sát hại lãnh đạo DPR”, Interfax dẫn nguồn thạo tin.

Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát là hành động “ném đá giấu tay hèn nhát”, làm mất ổn định nền hòa bình mong manh tại khu vực. Tổng thống Putin cũng gửi lời chia buồn tới gia quyến của Zakharchenko.

Bộ Ngoại giao Nga tố Kiev đứng đằng sau “vụ tấn công khủng bố”. Tuy nhiên, sau đó, ông Putin ra thông cáo cho biết không đổ lỗi cho Kiev về vụ sát hại này.

Cảnh sát chặn một con phố gần nơi vụ nổ xảy ra. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, theo Igor Guskove, người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine, nguyên nhân cái chết của Zakharchenko có thể xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ trong bè phái ly khai hoặc do lực lượng đặc biệt của Nga gây ra. Trước đó, Kiev từng cáo buộc Nga sát hại một số người thuộc quân ly khai từ chối tuân theo Kremlin.

Zakharchenko, 42 tuổi, trở thành lãnh đạo phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine hồi tháng 10/2014. Trước đây, một loạt lãnh đạo quân ly khai cũng bị ám sát trong bối cảnh mâu thuẫn liên tục diễn ra ở miền Đông Ukraine. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 10.000 người trong khu vực này đã thiệt mạng từ khi cuộc chiến giữa quân ly khai và lực lượng chính phủ Ukraine nổ ra vào năm 2014.

Những nỗ lực quốc tế cho một thỏa thuận ngừng bắn tại Đông Ukraine tới nay đều không thành công. Mỹ và các nước châu Âu áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vì những động thái quân sự tại Ukraine, bao gồm vụ sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, Tổng thống Putin phủ nhận đưa quân đội và vũ khí tới miền Đông Ukraine.

Author: Ngọc Hà/ Zingnew

News day